Theo Báo Vĩnh Long, hơn 20 năm gắn bó với cây vú sữa, anh Trần Văn Duyên – Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng vú sữa ấp Kinh Đào (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) không chỉ sở hữu hơn 5 công đất chuyên canh loại cây ăn trái đặc sản này, mà còn tích lũy nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Anh Duyên cũng là người tiên phong trong việc đưa cây vú sữa trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương.

Theo anh Duyên, Tổ hợp tác hiện có 47 thành viên với tổng diện tích canh tác khoảng 30ha, chủ yếu là giống vú sữa Lò Rèn và vú sữa tím Lò Rèn. Vụ chính kéo dài từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau.

Nông dân Vĩnh Long trồng loại quả có dòng sữa trắng chảy bên trong, giá lên tới 30.000 đồng/kg: Thu hoạch là thương lái khuân đi trong tích tắc
Cận cảnh vườn vú sữa của nông dân ở Vĩnh Long. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Năm nay, năng suất ước đạt từ 4–5 tấn/công, cao hơn so với các năm trước. Nhờ giá bán ổn định, trung bình từ 10.000–30.000 đồng/kg tùy thời điểm, nhiều nông dân thu lãi trên 50 triệu đồng mỗi công sau khi trừ chi phí đầu tư. Đặc biệt, Tổ hợp tác đã ký kết liên kết tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp thu mua tại Tiền Giang, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Không chỉ bán trái, mỗi năm anh Duyên còn chiết cành khoảng 1.000 cây giống cung ứng cho người dân trong và ngoài xã, góp phần mở rộng diện tích trồng vú sữa trên địa bàn.

Cùng chung niềm đam mê với cây vú sữa, anh Nguyễn Văn Tư – một nông dân lâu năm tại ấp Kinh Đào – chia sẻ: Vú sữa là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, có thể khai thác lâu dài. Sau khoảng 3–4 năm là cây bắt đầu cho trái.

Ngoài ra, nếu biết áp dụng kỹ thuật xử lý ra trái rải vụ thì thời gian thu hoạch sẽ kéo dài, giá bán ổn định ở mức cao. Thời điểm hiện tại, dù đang cuối vụ, giá vẫn ở mức 25.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Nông dân Vĩnh Long trồng loại quả có dòng sữa trắng chảy bên trong, giá lên tới 30.000 đồng/kg: Thu hoạch là thương lái khuân đi trong tích tắc

Quả vú sữa vừa được tách đôi, dòng sữa trắng ngần chảy ra từ thịt quả – đặc trưng hấp dẫn của loại trái cây đặc sản. Ảnh: Tổng hợp

Theo nhiều nông dân trong vùng, cây vú sữa không chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai địa phương mà còn có khả năng chịu hạn mặn tốt, ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao, người trồng cần nắm vững kỹ thuật từ bón phân, tưới nước, đến phòng ngừa sâu bệnh hại như ruồi vàng, sâu đục trái.

Tại xã Lục Sĩ Thành hiện có 51,47ha vú sữa, trong đó vú sữa Lò Rèn chiếm 36,4ha và vú sữa tím là 15,07ha, tập trung chủ yếu tại ấp Kinh Đào. Toàn xã đang hướng đến xây dựng vùng chuyên canh vú sữa quy mô lớn với diện tích 40ha. Tổ hợp tác trồng vú sữa ấp Kinh Đào giữ vai trò nòng cốt, không chỉ tổ chức sản xuất hiệu quả mà còn góp phần giải quyết đầu ra cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Khải – cán bộ nông nghiệp xã Lục Sĩ Thành – cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương đã vận động bà con chuyển đổi vườn cây kém hiệu quả sang trồng vú sữa – một loại cây có giá trị kinh tế cao và ổn định.

Hiện tổ hợp tác tại ấp Kinh Đào đã được cấp mã số vùng trồng nội địa cho diện tích 2,5ha. Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phòng trừ sâu bệnh và tiết giảm chi phí đầu tư cho nông dân.

“Để nâng cao hiệu quả sản xuất, địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng ngừa sâu bệnh trên cây VS, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi từ diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng vú sữa và sẽ tiếp tục kiến nghị cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ về vốn cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng vú sữa.

Điều này nhằm nhân rộng những mô hình vườn cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân”, ông Khải nói trên Báo Vĩnh Long.