Tuần qua, đoạn video được đăng tải bởi tài khoản YouTube Salaryman Tokyo đã thu hút gần 1,1 triệu lượt xem, khiến dư luận trong và ngoài Nhật Bản chấn động. Clip kéo dài hơn 18 tiếng không chỉ ghi lại lịch trình một ngày làm việc căng thẳng của một nhân viên văn phòng, mà còn hé lộ thực trạng đáng báo động về các “black company” – thuật ngữ chỉ những công ty có môi trường lao động bóc lột, hà khắc, phổ biến ở xứ sở hoa anh đào.

Nhân vật chính trong video bắt đầu ngày mới từ 7h16 sáng, với tâm trạng nặng nề và lời thì thầm: “Tôi không muốn đi làm chút nào”. Sau 90 phút di chuyển đến văn phòng, anh bắt đầu làm việc từ 9h sáng, chỉ nghỉ vài phút uống cà phê, rồi tiếp tục làm việc xuyên suốt đến 13h. Sau một bữa trưa vội vã kéo dài 45 phút, anh lại quay trở lại bàn làm việc, tiếp tục “chiến đấu” đến 20h15 và rời văn phòng trong tình trạng kiệt sức.

Chưa dừng lại, anh về đến nhà lúc 22h45, nấu bữa tối lúc gần nửa đêm và chỉ có thể đặt lưng đi ngủ vào lúc 1h15 sáng. Tổng cộng, thời gian hoạt động bao gồm làm việc, đi lại và chuẩn bị lên tới hơn 18 tiếng rưỡi.

Tận mắt xem ngày làm việc 18,5 tiếng của dân công sở Nhật Bản: Cuộc sống hay địa ngục?
Người đàn ông rời văn phòng lúc hơn 20h trong tình trạng kiệt sức. Ảnh chụp màn hình

Video không chỉ phản ánh một ngày làm việc vắt kiệt sức lực, mà còn vẽ nên chân dung phổ biến của hàng triệu “salaryman” (người làm công ăn lương) tại Nhật, những người đang sống trong guồng quay khốc liệt của hiệu suất và sự cam chịu.

Khái niệm “black company” đã trở nên quen thuộc trong xã hội Nhật Bản từ hơn một thập kỷ qua. Những công ty này thường nhắm vào sinh viên mới ra trường, lực lượng lao động trẻ, thiếu kinh nghiệm và dễ bị thao túng. Nhân viên tại các công ty này phải làm việc quá giờ và đối mặt với áp lực tâm lý từ cấp trên cũng như đồng nghiệp.

Nhân vật trong video cho biết nhiều công ty còn dùng chiêu trò “làm nhục” nhân viên nếu họ có ý định nghỉ việc, coi đó là hành vi phản bội tập thể. “Tôi từng nghe nói Nhật Bản đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Có lẽ chỉ là tin đồn thôi”, anh cay đắng chia sẻ trong clip.

Tận mắt xem ngày làm việc 18,5 tiếng của dân công sở Nhật Bản: Cuộc sống hay địa ngục?
Nhiều người lao động Nhật Bản mặc định "làm việc cật lực là nghĩa vụ". Ảnh minh họa

Giới chuyên gia cho rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở mô hình xã hội mang tính tập thể và phân cấp chặt chẽ của Nhật Bản. Giáo sư Hiroshi Ono (Đại học Hitotsubashi) nhận định nhiều người Nhật không dám nghỉ phép đơn giản vì… sếp họ cũng không nghỉ. Họ sợ phá vỡ sự hài hòa của tập thể.

Chính vì vậy, những người lao động như nhân vật trong video luôn sống trong trạng thái mặc định rằng “làm việc cật lực là nghĩa vụ”, ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Tình trạng làm việc quá sức ở Nhật phổ biến đến mức xuất hiện một thuật ngữ riêng là karoshi, nghĩa là “chết vì làm việc quá mức”. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mỗi năm có khoảng 750.000 người trên toàn cầu tử vong do làm việc trên 55 giờ mỗi tuần và Nhật Bản là một trong những quốc gia ghi nhận nhiều vụ karoshi nhất.

Một trong những vụ việc gây rúng động là cái chết của bác sĩ Takashima Shingo, 26 tuổi, ở thành phố Kobe. Năm 2022, anh đã làm việc liên tục hơn 100 ngày, với 207 giờ làm thêm chỉ trong tháng cuối cùng trước khi tự tử. Mẹ anh, bà Junko Takashima đau đớn kể: “Con tôi từng nói 'quá khó khăn, không ai giúp đỡ'. Tôi tin môi trường làm việc đã đẩy thằng bé đến bước đường cùng”.