Theo TTXVN, vào lúc 20h ngày 2/7/2025 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề liên quan đến thuế đối ứng giữa hai nước.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa Hoa Kỳ, trong đó có ô tô phân khối lớn. Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp giải quyết các vướng mắc trong quan hệ thương mại, đặc biệt ở các lĩnh vực hai bên cùng ưu tiên.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu liên quan đến một số mặt hàng công nghệ cao. Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bằng việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, nhất là những ngành then chốt như khoa học và công nghệ cao.
![]() |
Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, giảm mức thuế đối ứng xuống 20% đối với hàng xuất khẩu trực tiếp (Ảnh: TTXVN) |
Trước đó, tại chương trình Cafe Doanh nhân do HUBA tổ chức ngày 10/5, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định rằng chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ là một trong những thách thức lớn cho kinh tế toàn cầu giai đoạn 2025 - 2026.
Theo đó, trong kịch bản cơ sở khi Việt Nam đàm phán thành công và Mỹ giữ mức thuế đối ứng ở mức 20 - 25%, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này vẫn có thể giảm từ 6 đến 7,5 tỷ USD so với năm 2024.
Các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm điện tử, dệt may, gỗ và giày dép. Cụ thể, ngành điện tử có thể giảm kim ngạch khoảng 1,4 tỷ USD, trong khi dệt may có thể mất khoảng 0,9 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, chi phí nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị từ Mỹ cũng tăng, đẩy giá thành sản xuất trong nước lên cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI từ Mỹ và các nhà đầu tư châu Á dự báo sẽ sụt giảm 3 - 8% tùy kịch bản, do lo ngại rủi ro chính sách. Các ngành gián tiếp như logistics, bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ chịu tác động khi hoạt động xuất nhập khẩu chững lại.
![]() |
Để ứng phó hiệu quả, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị doanh nghiệp cần sớm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP... Đồng thời, các đơn vị cần đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu uy tín và tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường hoặc nhà cung cấp duy nhất, từ đó tăng khả năng chống chịu trước các biến động bên ngoài.