Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,32% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022, tương đương gần 1,6 triệu tỷ đồng vốn tín dụng được bơm thêm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm – cũng là mức tăng tín dụng cao nhất theo chu kỳ 6 tháng trong lịch sử.

Bức tranh tăng trưởng tín dụng ghi nhận sự đóng góp mạnh mẽ từ cả khối ngân hàng quốc doanh lẫn khối tư nhân, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô lớn.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân, VPBank là cái tên nổi bật nhất khi trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất tính đến giữa năm 2025, với quy mô hợp nhất vượt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cuối năm 2024. Động lực tăng trưởng chính của VPBank đến từ tín dụng, với dư nợ đạt 842.000 tỷ đồng – tăng 18,6% so với đầu năm và tăng tới 30,3% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, VPBank đã bơm thêm hơn 132.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.

Techcombank cũng ghi nhận dấu ấn quan trọng về quy mô tài sản và dư nợ tín dụng trong quý II/2025. Tăng trưởng tín dụng đạt 10,6% so với đầu năm, tương đương hơn 70.000 tỷ đồng.

ACB báo cáo dư nợ tín dụng đạt 634.000 tỷ đồng vào cuối quý II, tăng 9,1% so với đầu năm, với cơ cấu dư nợ tương đối cân bằng giữa khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Ở nhóm các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ, nhiều cái tên cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Nam A Bank đạt dư nợ gần 193.000 tỷ đồng, tăng 14,7% so với đầu năm. Tổng tài sản của nhà băng này cũng lần đầu tiên vượt mốc 315.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% và đánh dấu bước tiến nổi bật sau hơn 32 năm hoạt động.

TPBank ghi nhận dư nợ tín dụng đạt gần 293.500 tỷ đồng, tăng 11,7%, hoàn thành gần 93% kế hoạch cả năm chỉ trong 6 tháng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 14% so với cuối năm 2024, đạt hơn 285.500 tỷ đồng.

Tại VIB, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 6 vượt 356.000 tỷ đồng, tăng 10%. LPBank đạt dư nợ 368.727 tỷ đồng, tăng 11,2%. NCB tăng trưởng tín dụng 22% lên gần 86.835 tỷ đồng. KienlongBank cũng đạt mức tăng 13,2%, với dư nợ hơn 69.547 tỷ đồng.

Trong khi đó, các “ông lớn” quốc doanh vẫn thể hiện vai trò dẫn dắt dòng vốn vào nền kinh tế. Tại Agribank, dư nợ cho vay đến cuối tháng 6/2025 đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, tương đương mức tăng hơn 130.000 tỷ đồng.

VietinBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng khoảng 10% so với cuối năm 2024, tương đương quy mô tăng thêm khoảng 170.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Trần Minh Bình cho biết dòng vốn tín dụng của nhà băng đang tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có lĩnh vực hạ tầng.

Vietcombank cho biết, đến hết quý II/2025, tín dụng của ngân hàng đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1%, tương đương mức tăng 160.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT ngân hàng – nhấn mạnh Vietcombank đang tích cực cấp vốn cho các lĩnh vực phát triển bền vững và ngành nghề ưu tiên. Tín dụng cho các lĩnh vực này hiện chiếm khoảng 33% tổng dư nợ.

BIDV cũng không kém cạnh, với dư nợ tín dụng đạt 2,14 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 6 – tăng 6,1%, tương đương hơn 120.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm 2025, có tới 5 ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 100.000 tỷ đồng trở lên, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và VPBank – góp phần đáng kể thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh vào nền kinh tế trong bối cảnh các chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng.