Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, mang lại sự tiện lợi vượt trội cho người dùng. Tuy nhiên, song hành với những lợi ích đó là sự gia tăng của các hoạt động lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và khó lường. Các đối tượng xấu không ngừng thay đổi phương thức, lợi dụng lòng tin và sự thiếu cảnh giác của người dùng để chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã liên tục phát đi cảnh báo khẩn cấp về những chiêu trò lừa đảo mới, đặc biệt là 2 tình huống đang diễn ra hết sức phức tạp và gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng.
Kịch bản 1: Lừa đảo giả mạo tin nhắn yêu cầu thanh toán đơn hàng bằng chuyển khoản/mã QR.
Kẻ gian thường thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân từ các nguồn như mạng xã hội, livestream bán hàng, sàn thương mại điện tử hoặc đơn vị giao hàng. Sau đó, chúng gửi tin nhắn qua SMS, Zalo hoặc Messenger với nội dung yêu cầu thanh toán đơn hàng. Nếu khách hàng không thanh toán ngay, hàng sẽ hoàn về kho.
Những tin nhắn này thường đính kèm link/mã QR giả mạo. Do tin nhắn có nội dung hợp lý, mang tính cấp bách, nhiều người dùng đã vội vàng thực hiện theo hướng dẫn mà không kiểm tra kỹ. Hậu quả là khi quét mã QR hoặc nhấp vào link, họ bị dẫn đến trang thanh toán giả hoặc bị cài đặt phần mềm độc hại.
Từ đó, thông tin tài khoản ngân hàng, bao gồm cả mật khẩu, mã OTP, thông tin thẻ tín dụng và dữ liệu sinh trắc học có thể bị đánh cắp và kẻ gian sẽ nhanh chóng thực hiện các giao dịch trái phép, chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản.
![]() |
ACB cảnh báo 2 kịch bản lừa đảo giả mạo. Ảnh minh họa |
Kịch bản 2: Giả mạo cán bộ cơ quan Nhà nước (Thuế, Công an, Viện Kiểm sát, Điện lực, các nhà mạng …) để yêu cầu cài app giả mạo của Chính phủ, Tổng cục thuế, Điện lực… hoặc gửi các link có chứa mã độc.
Các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ cơ quan Nhà nước gọi điện đến khách hàng để dẫn dụ khách hàng vào các tình huống như hướng dẫn quyết toán thuế, hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thông báo khách hàng vi phạm pháp luật, thông báo khách hàng bị cắt điện…
Kẻ gian thường gửi tin nhắn dưới dạng thông báo từ cơ quan chức năng, yêu cầu người dùng tải ứng dụng của “Chính phủ” hoặc nhấp vào một đường link được cho là chứa thông tin quan trọng. Thực chất, đây là những phần mềm và đường link độc hại được thiết kế để chiếm quyền kiểm soát thiết bị hoặc đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng.
Khi người dùng tải về ứng dụng giả mạo hoặc nhấn vào link lạ, điện thoại có thể bị kiểm soát từ xa hoặc các thông tin nhạy cảm sẽ bị lấy cắp, tạo điều kiện cho kẻ gian thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép, chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng này, ACB khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không chia sẻ thông tin bảo mật như tên truy cập, mật khẩu, mã Pin Safekey, mã OTP, thông tin thẻ, hình ảnh sinh trắc học…cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là cán bộ ngân hàng hoặc cơ quan chức năng.
Khách hàng cũng không nên bấm vào đường link lạ hay tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc, đồng thời cần kiểm tra kỹ người gửi và nội dung tin nhắn trước khi thực hiện bất kỳ thao tác nào.
Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, khách hàng cần liên hệ ngay với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để xác minh. Trường hợp nghi ngờ tài khoản bị xâm nhập hoặc lừa đảo, cần khóa ngay dịch vụ ngân hàng điện tử, thay đổi mật khẩu để ngăn chặn các giao dịch trái phép.