Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng hơn 52.904 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng thông qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) – mức hỗ trợ thanh khoản trong một phiên cao nhất lịch sử, theo dữ liệu từ Wichart.
Cụ thể, có 16 tổ chức tín dụng vay tổng cộng 33.055 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày, 8 thành viên vay gần 19.020 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, và 1 đơn vị vay hơn 829 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày. Mức lãi suất trúng thầu của các kỳ hạn đều ở 4%/năm.
Phiên này không ghi nhận giao dịch OMO đáo hạn và NHNN cũng không phát hành tín phiếu mới.
![]() |
Kết quả đấu thầu. Nguồn: NHNN |
Trước đó, trong tuần từ 24–28/6, NHNN đã bơm ròng hơn 39.800 tỷ đồng cho hệ thống, tập trung vào hai phiên 26 và 27/6. Việc NHNN bơm mạnh tiền diễn ra trong bối cảnh nhu cầu thanh khoản tăng cao vào cuối quý, trước thời điểm chốt báo cáo tài chính của các ngân hàng.
Áp lực thể hiện rõ qua việc lãi suất VND liên ngân hàng bật tăng mạnh. Đến cuối phiên 30/6, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã vọt lên 7,6%/năm, cao gấp gần 5 lần so với mức 1,66%/năm ghi nhận ngày 23/6, trước thời điểm NHNN nối lại hoạt động chào thầu tín phiếu.
Việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh đã thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND, qua đó giúp giảm áp lực lên tỷ giá, nhưng đồng thời khiến chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên.
Thời gian qua, NHNN đã liên tục điều chỉnh công cụ thị trường mở để ổn định thanh khoản hệ thống, bao gồm ngừng phát hành tín phiếu, chào mua có kỳ hạn giấy tờ có giá hàng ngày, đa dạng hóa và kéo dài kỳ hạn chào mua, tăng khối lượng chào mua để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn thanh khoản cho các ngân hàng.
Điều này giúp các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo đúng định hướng, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế, những động thái này góp phần hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng từ đầu tháng 3 và chạm đáy 16 tháng vào phiên 23/6.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thấp lại tạo áp lực lớn lên tỷ giá trong bối cảnh nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng gần 3%, bất chấp việc chỉ số DXY – thước đo sức mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế đã giảm khoảng 9%.
Theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu thị trường Ngân hàng ACB, mặc dù đồng USD đang suy yếu trên thị trường thế giới nhưng diễn biến tỷ giá trong nước lại không tương quan chặt chẽ, do nhu cầu ngoại tệ từ khối doanh nghiệp vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, lãi suất VND liên ngân hàng ở các kỳ hạn ngắn liên tục giảm sâu. Đây là yếu tố quan trọng tạo áp lực lên tỷ giá.
Trước áp lực này, NHNN đã nối lại hoạt động phát hành tín phiếu từ phiên 24/6. Tuy vậy, trước làn sóng cầu thanh khoản tăng đột biến, nhà điều hành tạm dừng phát hành tín phiếu mới và tăng cường bơm tiền ngắn hạn qua OMO trong các phiên gần đây.
Mặc dù vậy, phần lớn các khoản vay OMO hiện tại có kỳ hạn 7–14 ngày, nên lượng tiền NHNN hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng chỉ mang tính chất ngắn hạn và sẽ sớm được hút trở lại khi nhu cầu thanh khoản của hệ thống dần hạ nhiệt.