Những "bé hạt tiêu" vươn vai thành kẻ dẫn đầu
Tính đến ngày 21/4/2025, chỉ 12 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý I, nhưng kết quả đủ để phác họa rõ rệt sự phân hóa. VietinBank, đại diện duy nhất của nhóm quốc doanh công bố sớm, chỉ đạt mức tăng trưởng 6%. Trong khi đó, các ngân hàng bán lẻ tiêu biểu như ACB và VIB lần lượt ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận 6% và 12%.
![]() |
Tăng trưởng lợi nhuận quý I/2025: Ngân hàng nhỏ bứt phá, ngân hàng bán lẻ gặp khó. |
Trái ngược hoàn toàn, nhóm ngân hàng nhỏ lại ghi nhận tăng trưởng "bứt phá". ABBank tăng 108%, VietABank tăng 145%, Saigonbank tăng tới 189%. Đặc biệt, LPBank gây bất ngờ lớn khi đã hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau một quý.
Theo ông Lê Hoài Ân, cốt lõi thành công của các ngân hàng nhỏ đến từ việc khai thác hiệu quả những phân khúc tín dụng mà ngân hàng lớn thường né tránh. “Các ngân hàng nhỏ đã tận dụng được ‘ngách lợi nhuận’ mới – nơi mà các ngân hàng lớn chưa hoặc không thể tiếp cận: cho vay các dự án bất động sản đặc thù, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc phân khúc khách hàng có rủi ro nhưng chấp nhận mức lãi suất cao”, ông phân tích.
Năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 18%, nhưng thu nhập ròng từ tín dụng chỉ tăng 14%, cho thấy biên lãi thuần (NIM) toàn ngành đang co hẹp rõ rệt. Trong khi đó, riêng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tăng tới 24,37% – cao thứ hai trong toàn bộ các ngành. Sự tăng trưởng mạnh này phần lớn đến từ các ngân hàng nhỏ, đặc biệt là nhóm không tập trung vào bán lẻ truyền thống.
![]() |
Tín dụng bất động sản dẫn dắt tăng trưởng: Ngân hàng tư nhân tăng tốc, khối quốc doanh đứng yên. |
Chuyển đổi số – vũ khí mới trong cuộc đua lợi nhuận
Không chỉ tạo khác biệt trong chiến lược tín dụng, các ngân hàng nhỏ còn đi đầu trong kiểm soát chi phí nhờ chuyển đổi số. Theo ông Lê Hoài Ân, năm 2024, tỷ lệ chi cho công nghệ trong tổng chi phí hoạt động toàn ngành đạt 14,85%, mức cao nhất kể từ năm 2020, phản ánh nỗ lực thực sự thay vì khẩu hiệu.
Kết quả thể hiện rõ ở chỉ số CIR (Cost-to-Income Ratio), giảm từ 44,67% năm 2023 xuống còn 43,16% trong năm 2024. Techcombank – ngân hàng đầu tư công nghệ mạnh nhất với gần 6.500 tỷ đồng – hiện duy trì CIR dưới 30%. Các ngân hàng như MB, TPBank và ACB đều đạt mức CIR dao động từ 32–35% nhờ hơn 90% giao dịch được thực hiện số hóa.
Không dừng lại ở tiết kiệm chi phí, công nghệ còn mở rộng các nguồn thu ngoài lãi. Các ngân hàng đang xây dựng hệ sinh thái tài chính số, tích hợp các dịch vụ như bảo hiểm, quản lý tài sản, định danh điện tử (eKYC), và AI trong phê duyệt tín dụng. TPBank hiện có đến 94% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số – con số cho thấy tốc độ và chiều sâu của cuộc chuyển đổi.
Một trường hợp đặc biệt là BIDV. Dù là ngân hàng quốc doanh, năm 2024 BIDV đã giảm hơn 1.100 nhân sự nhưng vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận nhờ nâng cao năng suất thông qua công nghệ. Điều này chứng minh rằng chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà là đòn bẩy tất yếu để tồn tại và bứt phá trong môi trường biên lãi ngày càng thu hẹp.
Khi “an toàn” không còn là lá chắn tối ưu
Chiến lược “an toàn tuyệt đối” từng giúp các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV hay VietinBank trụ vững trong biến động. Tuy nhiên, năm 2025, điều này có thể trở thành rào cản. Theo ông Lê Hoài Ân, NIM của Vietcombank đã giảm mạnh từ 3,3–3,5% xuống sát ngưỡng 2,7%, gần bằng VietinBank – mức thấp trong hệ thống. Đổi lại, họ giữ được chất lượng tín dụng cao, nhưng phải hy sinh biên lợi nhuận ngắn hạn.
![]() |
Chiến lược ngân hàng năm 2025: Tập trung cho vay doanh nghiệp, đẩy mạnh CASA và kiểm soát rủi ro. Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2025 của các ngân hàng. |
Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ như ABBank, Saigonbank, Nam A Bank vẫn duy trì được NIM trên 3,5%, nhờ vào chiến lược mở rộng vào các phân khúc thị trường có biên lợi nhuận cao hơn. Sự linh hoạt trong phân bổ tín dụng, lựa chọn khách hàng và kiểm soát chi phí đang trở thành vũ khí cạnh tranh hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính đang bước vào chu kỳ tái cấu trúc.
Dẫu vậy, chuyên gia cũng cảnh báo rủi ro: các khoản cho vay bất động sản và doanh nghiệp vừa – nhỏ tuy sinh lời cao, nhưng dễ tổn thương khi nền kinh tế biến động. Để bứt phá trở thành xu hướng bền vững, các ngân hàng nhỏ cần đồng thời củng cố năng lực quản trị rủi ro, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu (NPL) và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức ổn định.
Trong một thị trường không còn là sân chơi riêng của quy mô, tốc độ thích ứng, sự linh hoạt trong chiến lược và khả năng tận dụng công nghệ mới là chìa khóa thành công. Nếu năm 2024 là năm định hình lại cuộc đua, thì năm 2025 là lúc để những ngân hàng “dám khác biệt” vươn lên dẫn đầu.