Trong khi nhiều ngành hot có điểm chuẩn chạm ngưỡng 27–28, thì Kỹ thuật Cơ điện tử tại nhiều trường công lập "mềm" hơn, dao động quanh mức 22 điểm.
Kỹ thuật Cơ điện tử là lĩnh vực đòi hỏi cao về tư duy logic, tính kỷ luật và đam mê khám phá công nghệ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Sinh viên ngành Cơ điện tử sẽ được trang bị kiến thức liên ngành, kết hợp giữa cơ khí chính xác, điện – điện tử, tin học, lập trình nhúng, trí tuệ nhân tạo và Internet of Things (IoT). Những người học ngành này có thể tham gia thiết kế robot, vận hành dây chuyền tự động, phát triển máy in 3D, máy bay không người lái hoặc xây dựng hệ thống điều khiển thông minh.
Khác với hình dung phổ biến, kỹ sư Cơ điện tử không chỉ “ngồi code”, mà còn trực tiếp tạo ra các sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực như công nghiệp sản xuất, y tế, giao thông hay nông nghiệp thông minh. Nhờ đó, nhiều sinh viên vừa ra trường đã nhận mức lương khởi điểm từ 12 – 20 triệu đồng/tháng, đặc biệt nếu giỏi tay nghề và có kinh nghiệm thực hành.
Với lộ trình phát triển chuyên môn bài bản, kỹ sư Cơ điện tử hoàn toàn có thể gia nhập các tập đoàn lớn với mức thu nhập 50–100 triệu đồng/tháng. Ngoài công việc toàn thời gian, kỹ sư trong ngành này còn có thể làm freelance, dạy học, tư vấn kỹ thuật hoặc phát triển sản phẩm cá nhân để gia tăng thu nhập.
Ngay từ khi còn ngồi giảng đường, sinh viên Cơ điện tử đã được doanh nghiệp săn đón thông qua các hội thảo nghề nghiệp, talkshow chuyên ngành, triển lãm robot và hội chợ công nghệ.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo ngành Cơ điện tử khá nặng, với nhiều môn lý thuyết và thực hành như: Cơ học, Mạch điện tử, Tự động hóa, Lập trình nhúng, Robot công nghiệp… Nhiều trường đầu tư phòng lab hiện đại, nhà xưởng mô phỏng thực tế, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng tay nghề.
Ngoài giờ học chính khóa, sinh viên còn có cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ robot, cuộc thi Drone Racing, Hackathon công nghệ, sân chơi sáng tạo... – nơi ươm mầm ý tưởng và tạo đà cho những kỹ sư tương lai bứt phá.