Trong kỷ nguyên số hóa, khi các thiết bị thông minh ngày càng chiếm lĩnh đời sống và sản xuất, Hệ thống nhúng và IoT được ví như “bộ não và dây thần kinh” của các thiết bị hiện đại. Ngành học này kết hợp giữa thiết kế phần cứng, lập trình phần mềm và khả năng kết nối qua internet, từ đó tạo nên những hệ thống có thể tự động thu thập, xử lý và truyền tải dữ liệu mà không cần sự can thiệp liên tục của con người.
Những thiết bị phổ biến như đồng hồ thông minh, máy giặt thông minh, hệ thống nhà thông minh hay các cảm biến trong nông nghiệp đều là sản phẩm của công nghệ này. Chính vì vậy, Hệ thống nhúng và IoT không chỉ là một ngành học mà còn là một mắt xích không thể thiếu trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và đời sống.
Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu công nghệ toàn cầu, số lượng thiết bị IoT dự kiến sẽ vượt mốc 75 tỷ vào năm 2025 – gấp năm lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng chóng mặt này đồng nghĩa với nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành đang ngày một lớn.
![]() |
Hệ thống nhúng và IoT được ví như “bộ não và dây thần kinh” của các thiết bị hiện đại. Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, Hệ thống nhúng và IoT là ngành học còn khá mới nhưng đang được nhiều trường đại học hàng đầu đưa vào chương trình đào tạo, như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hay Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Điểm chuẩn của ngành thường ở mức cao, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của thí sinh đến lĩnh vực này.
Một trong những điểm hấp dẫn nhất của ngành Hệ thống nhúng và IoT là khả năng đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp. Doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực – từ công nghiệp, nông nghiệp đến y tế và dịch vụ công – đều đang tìm cách ứng dụng IoT vào hoạt động của mình để nâng cao hiệu quả vận hành và tối ưu chi phí.
![]() |
Sinh viên ngành Hệ thống nhúng và IoT có nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi ra t rường. Ảnh minh họa |
Sinh viên ra trường có thể làm việc trong các công ty thiết kế phần cứng, lập trình hệ thống nhúng, phát triển sản phẩm IoT hoặc tại các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, khả năng khởi nghiệp trong lĩnh vực này cũng rất tiềm năng, khi nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng và phong phú.
Về mức thu nhập, theo khảo sát từ các nền tảng tuyển dụng lớn, một lập trình viên IoT mới ra trường có thể nhận lương từ 20–30 triệu đồng/tháng. Với 3–5 năm kinh nghiệm, con số này có thể tăng lên mức 60 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, những kỹ sư làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, theo mô hình freelance hoặc từ xa, có thể đạt mức thu nhập từ 100 triệu đồng/tháng trở lên.
Chương trình đào tạo ngành Hệ thống nhúng và IoT hiện nay được xây dựng bài bản, tích hợp đa dạng các mảng kiến thức từ lập trình, thiết kế mạch điện tử đến các nền tảng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, điện toán đám mây và thực tế ảo.
Sinh viên được trang bị cả tư duy lập trình và kỹ năng phần cứng – điều hiếm thấy ở nhiều ngành công nghệ khác. Ngoài ra, các trường đại học lớn tại Việt Nam còn hợp tác quốc tế, tạo điều kiện để sinh viên du học hoặc theo học bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore,…