Thị trường ô tô đang chứng kiến đợt giảm giá mạnh hiếm thấy, nhưng sức mua vẫn chưa khởi sắc. Nhiều mẫu xe phổ thông được giảm trực tiếp 50–100 triệu đồng so với giá niêm yết, kèm ưu đãi như miễn 100% lệ phí trước bạ, tặng bảo hiểm thân vỏ và phụ kiện.

Ví dụ, Toyota Veloz Cross hiện có giá chỉ khoảng 620–630 triệu đồng, Honda City giảm hơn 60 triệu, trong khi Mitsubishi Attrage từng được ưu đãi tổng cộng trên 100 triệu đồng nếu cộng dồn các gói khuyến mại.

Nguồn cung dư thừa, các đại lý ô tô chấp nhận 'bán lỗ' để xả hàng tồn

Nhiều hãng xe liên tiếp ra mắt ô tô mới, nguồn cung tăng mạnh trong khi sức mua yếu, nhiều đại lý ô tô phải bán “cắt lỗ” để giảm tồn kho.

Xe sang cũng không nằm ngoài cuộc đua giảm giá. Một số mẫu của BMW, Mercedes-Benz, Lexus… được chiết khấu 100–300 triệu đồng, kèm theo gói vay lãi suất ưu đãi trong 12 tháng. Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng vẫn khá thận trọng do lãi suất vay cao, giá xăng dầu, bảo hiểm và chi phí sinh hoạt tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2025, sản lượng ô tô sản xuất trong nước đạt gần 190.000 xe (tăng hơn 70%), xe nhập khẩu đạt gần 90.000 xe (tăng 43%). Tổng cung vượt 300.000 xe, nếu tính thêm lượng tồn kho từ năm trước.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% số xe này đã được tiêu thụ, đồng nghĩa với việc hơn 150.000 xe đang tồn kho tại nhà máy, đại lý và bãi xe mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân dư cung đến từ việc nhiều hãng ô tô đã kỳ vọng quá mức vào nhu cầu mua sắm hậu COVID-19, đồng thời lượng xe từ Thái Lan và Indonesia tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam trong khi các thị trường khác tại Đông Nam Á đang chững lại.

Ngoài ra, việc sáp nhập địa giới hành chính khiến thủ tục đăng ký xe tại một số địa phương trở nên phức tạp hơn, phí trước bạ tăng và thời gian bấm biển kéo dài, dẫn đến nhiều khách hàng cân nhắc lại hoặc thậm chí huỷ đơn hàng.

“Nếu sức mua không sớm phục hồi, tình trạng tồn kho cao và cuộc đua giảm giá có thể còn kéo dài đến cuối năm”, một chuyên gia cảnh báo.