![]() |
Doanh nhân Ngô Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT Âu Lạc |
CTCP Âu Lạc (OTC: ALC) – doanh nghiệp vận tải xăng dầu đường biển – đang bước vào giai đoạn đầu tư mạnh mẽ với mục tiêu nâng cấp toàn diện đội tàu trong giai đoạn 2025–2030. Kế hoạch vừa được Đại hội cổ đông thường niên 2025 thông qua, mở ra hướng đi mới trong bối cảnh đội tàu hiện tại đã gần 20 năm tuổi, không còn đáp ứng tiêu chuẩn tại nhiều cảng và phát sinh chi phí bảo hiểm cao.
Cụ thể, công ty dự kiến đóng mới 12 tàu chở dầu/hóa chất, gồm 4 tàu 19.000 DWT và 8 tàu 13.000 DWT, với tổng vốn đầu tư lên đến 450 triệu USD (khoảng 11.400 tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành). Kế hoạch được kỳ vọng không chỉ giúp Âu Lạc nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn là một bước đi chuẩn bị cho lộ trình niêm yết trên sàn chứng khoán – điều mà ban lãnh đạo xác định là chiến lược tăng giá trị cổ đông dài hạn.
Dòng tiền dồi dào – nhưng chưa đủ cho kế hoạch tham vọng
Năm 2024, Âu Lạc ghi nhận doanh thu tăng 28% lên hơn 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 261 tỷ đồng – tăng 32% YoY. Đội tàu nâng lên 8 chiếc, tạo nền tảng cho quy mô vận hành mở rộng.
Tuy nhiên, bước sang quý I/2025, bức tranh tài chính có phần kém sắc. Doanh thu chỉ còn hơn 292 tỷ đồng (giảm 21%), lợi nhuận sau thuế lùi 35% xuống 47 tỷ. Dù chi phí lãi vay giảm, môi trường kinh tế toàn cầu biến động, cùng ảnh hưởng từ chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khiến nhu cầu vận chuyển nhiên liệu sụt giảm.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2025 là 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ – đều thấp hơn hai chữ số so với năm trước. Sau quý I, Âu Lạc mới thực hiện được 21% doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2025, tổng tài sản của Âu Lạc gần 2.200 tỷ đồng, trong đó có tới 922 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Vốn chủ sở hữu đạt khoảng 1.400 tỷ, bao gồm 561 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Tuy vậy, nếu so với kế hoạch đầu tư 11.400 tỷ đồng – gấp 5,2 lần tổng tài sản và 12,4 lần số dư tiền mặt hiện tại – thì rõ ràng, Âu Lạc sẽ cần một chiến lược huy động vốn táo bạo, bền vững hơn trong thời gian tới.
Tới cuối tháng 3/2025, nợ phải trả của công ty chỉ là 741 tỷ đồng, trong đó hơn 640 tỷ đồng là nợ vay - không quá lớn và đáng lo. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) không nằm trong danh sách chủ nợ hiện tại, nhưng lại là mắt xích quan trọng ở khía cạnh sở hữu.
![]() |
Nguồn: BCTC quý I/2025 của Âu Lạc |
ACB – Bệ đỡ cho chiến lược tài chính dài hạn?
Mối liên hệ giữa Âu Lạc và ACB không dừng ở giao dịch ngân hàng thông thường. Theo cập nhật mới nhất từ ACB, nhóm cổ đông liên quan đến bà Ngô Thu Thúy – Chủ tịch HĐQT Âu Lạc – hiện đang sở hữu tổng cộng 7,825% vốn điều lệ của ngân hàng này, vượt ngưỡng trở thành nhóm cổ đông lớn.
Cụ thể:
- Bà Nguyễn Thiên Hương JENNY (con gái bà Thúy) nắm hơn 63,2 triệu cổ phiếu ACB (1,416%) và người liên quan đến bà Hương sở hữu thêm 111,5 triệu cổ phiếu (2,497%);
- Ông Nguyễn Đức Hiếu JONNY (con trai bà Thúy) nắm 51 triệu cổ phiếu (1,142%) và người liên quan đến ông Hiếu sở hữu thêm 123,7 triệu cổ phiếu (2,77%);
Dù ACB không phải chủ nợ trực tiếp của Âu Lạc tại thời điểm hiện tại, sự hiện diện sâu rộng của nhóm cổ đông liên quan bà Thúy tại ACB có thể mang ý nghĩa lớn về mặt chiến lược – đặc biệt trong bối cảnh Âu Lạc chuẩn bị cho giai đoạn huy động vốn quy mô lớn để phục vụ kế hoạch đội tàu 11.400 tỷ đồng.
Việc CTCP Âu Lạc chuẩn bị bước vào chu kỳ đầu tư mạnh cho thấy quyết tâm làm mới đội hình và mở rộng thị phần vận tải hàng hải trong giai đoạn 2025–2030. Với dòng tiền hiện có, cộng thêm “hậu thuẫn mềm” từ ACB (?), doanh nghiệp này có cơ sở để xây dựng cấu trúc tài chính mới – hướng đến tăng trưởng dài hạn và tiến gần hơn tới sân chơi niêm yết...