Chiều ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã mua 12.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất trúng thầu 4%. Ở chiều ngược lại, NHNN bán ra 2.800 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất trúng thầu 3,59%.

Như vậy, NHNN nhà nước đã bơm ròng ra thị trường 9.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền bơm ra có kỳ hạn ngắn còn hút về có kỳ hạn dài, cho thấy động thái trên có có thể nhằm giải quyết sự thiếu hụt thanh khoản trong ngắn hạn. Hiện tại, lãi suất qua đêm trong hệ thống liên ngân hàng đã lên tới 4,18% (ngày 11/3 lãi suất liên ngân hàng chỉ có 0,85%).

NHNN bơm ròng 9.200 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong phiên VN-Index giảm sâu
NHNN bơm ròng 9.200 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong phiên 15/4

Bên cạnh đó, trong tháng 4, hơn 171.000 tỷ đồng bị hút về qua kênh tín phiếu giai đoạn 11/3 - 1/4, kỳ hạn 28 ngày sẽ đáo hạn. Đợt hút này của NHNN nhằm nhằm hấp thụ thanh khoản dư thừa trong hệ thống, nâng dần lãi suất liên ngân hàng 1 tháng từ 1,5% lên mức gần 4 - 4,5%, qua đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc đợt hút ròng, sức ép tỷ giá gia tăng nhanh chóng. Ngày 15/4, tỷ giá USD bất ngờ vọt lên sát 25.300 đồng (mức kỷ lục từ trước đến nay), gần chạm ngưỡng trần trong phiên do tỷ giá trung tâm là 24.096 đồng, biên độ 5%, tức ngân hàng sẽ giao dịch USD trong khoảng 22.891 - 25.301 đồng. Tính từ đầu năm tới nay, USD trên thị trường ngân hàng đã tăng hơn 800 đồng, tương đương mức tăng khoảng 3,3%.

NHNN bơm ròng 9.200 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong phiên VN-Index giảm sâu
Nhiều cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch 15/4

Trong bối cảnh ấy, VN-Index giảm gần 60 điểm (-4,7%) về 1.216,61 điểm. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần 2 năm qua và biến chứng khoán Việt Nam thành thị trường giảm mạnh nhất tại khu vực châu Á vào ngày 15/4.

Trên sàn HoSE có 475 mã giảm điểm (trong đó có 112 mã giảm sàn), 30 mã tham chiếu và 40 mã tăng điểm. Thanh khoản VN-Index đạt 33.568 tỷ đồng, có gần 1,5 tỷ cổ phiếu được trao tay.

Trong nhận định gần đây, Chứng khoán Vietcap kỳ vọng sau khi ngân hàng nhà nước bơm tiền trở lại, áp lực tỷ giá USD/VND sẽ được giảm bớt từ các yếu tố khác như nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ FDI, kiều hối, thặng dư thương mại cao, và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp (nhờ lượng khách quốc tế tiếp tục gia tăng).