Vào rạng sáng ngày 3/4/2025 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên toàn bộ đối tác thương mại của Mỹ trên toàn cầu. Phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng, ông Trump khẳng định mức thuế tối thiểu 10% sẽ được áp dụng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể.
Theo tài liệu từ Nhà Trắng, Trung Quốc sẽ chịu thuế suất 34%, EU 20%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%, Ấn Độ 26%, Campuchia 49%, Đài Loan 32%, trong khi Việt Nam bị áp mức thuế lên tới 46% - cao thứ hai sau Campuchia.
Ngay sau tuyên bố này, thị trường tài chính toàn cầu rơi vào trạng thái hỗn loạn. Phố Wall chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh mẽ, chỉ số SPDR S&P 500 ETF (SPY) - theo dõi chỉ số S&P 500 - giảm 2,9%, Invesco QQQ ETF (theo dõi Nasdaq 100) mất 3,5%, trong khi SPDR Dow Jones Industrial Average ETF Trust (DIA) lao dốc 950 điểm.
Tác động tiêu cực nhanh chóng lan đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Mở cửa phiên sáng ngày 3/4, VN-Index mất ngay 45 điểm, lùi về mức 1.272 điểm. Áp lực bán gia tăng khiến chỉ số tiếp tục giảm xuống 1.268 điểm, tương đương mức giảm gần 50 điểm. Nhóm VN30 đồng loạt lao dốc, trong đó GVR giảm sàn, các mã BVH, FPT, MSN, SHB, VNM, VRE đều mất từ 3 - 5%.
Không chỉ nhóm vốn hóa lớn, toàn thị trường ghi nhận tới 116 mã giảm sàn, chủ yếu thuộc các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan của Mỹ như dệt may, thủy sản, cao su, bất động sản khu công nghiệp. Nhiều cổ phiếu lớn như KBC, SZC, SIP, DXS (bất động sản khu công nghiệp), VHC, TNG, ANV, FMC (thủy sản, dệt may) đều bị bán tháo mạnh.
![]() |
Hơn 100 mã giảm sàn trong phiên sáng ngày 3/4/2025 |
Trong báo cáo mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating nhận định một số nhóm ngành như điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, nhưng với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Các tập đoàn đa quốc gia sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có thể linh hoạt điều chỉnh bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác. Ngược lại, các doanh nghiệp nội địa trong ngành dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm giải pháp thay thế. Đặc biệt, những công ty phụ thuộc lớn vào xuất khẩu đối diện nguy cơ gia tăng chi phí, sụt giảm đơn hàng, dẫn đến áp lực lên dòng tiền hoạt động.
![]() |
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tập trung ở 4 nhóm chính (Ảnh: VIS Rating) |
Hiện tại, một số doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ bao gồm May Sông Hồng (MSH) với 80% doanh thu đến từ thị trường này, TNG (TNG) chiếm 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35% và Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Trong ngành gỗ, Savimex (SAV) cũng chịu ảnh hưởng đáng kể khi 50% doanh thu đến từ thị trường Mỹ.
Ngoài ra, nhóm thủy sản cũng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ, trong đó có Vĩnh Hoàn (VHC), Minh Phú (MPC) khoảng 50% và Thực phẩm Sao Ta (FMC). Bên cạnh đó, ngành thép cũng ghi nhận một số doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu đáng kể sang Mỹ như Tôn Đông Á (GDA), Nam Kim (NKG).