Câu chuyện bị khách hàng chiếm dụng vốn không phải là vấn đề xa lạ với nhiều doanh nghiệp xây dựng do đặc thù ngành nghề kinh doanh.

Song, nhiều khoản chiếm dụng của khách hàng trở thành nợ xấu cũng là mối đe dọa với nhiều doanh nghiệp khi rủi ro mất vốn ngày càng cao. Nhiều doanh nghiệp phải trích lập dự phòng khó đòi bằng 100% giá trị khoản nợ, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến lợi nhuận trong kỳ.

Đơn cử là “ông trùm” xây dựng Coteccons (CTD), khoản nợ xấu của doanh nghiệp tại ngày 31/3/2024 đã tăng 40,2% so với đầu kỳ. Trong đó, CTCP TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt với 483,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Sài Gòn Glory là 142,8 tỷ đồng và CTCP Đầu tư Minh Việt với 121,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản nợ xấu của khác tăng vọt hơn 76,8% lên mức 1.458 tỷ đồng với khoản dự phòng 530 tỷ đồng.

Nợ xấu của các doanh nghiệp xây dựng ‘phình to’, danh tính quán quân lộ diện
Coteccons (CTD) trích lập dự phòng 100% với 3 khoản nợ xấu khó đòi

Bên cạnh đó, CTCP Đầu tư Hạ Tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) ghi nhận hơn 276 tỷ đồng khoản nợ xấu, tăng 33,5% so với đầu năm 2024. Trong đó, công ty trích lập gần 231 tỷ đồng và chỉ thu hồi được khoảng 16% giá trị gốc.

Đáng chú ý, phải thu khách hàng và trả trước cho người bán ngắn hạn được CII trích lập dự phòng 100%. Khoản phải thu ngắn hạn khác chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong khoản nợ xấu, đạt 162,2 tỷ đồng và chỉ thu hồi được 23% giá trị ban đầu.

Nợ xấu của các doanh nghiệp xây dựng ‘phình to’, danh tính quán quân lộ diện
CII có thể thu hồi được 16% giá trị gốc cho các khoản nợ xấu tại ngày 31/3/2024

Đặc biệt là CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) đã trích lập dự phòng 100% với khoản nợ xấu hơn 13,2 tỷ đồng. Trong đó, CTCP xây dựng Cầu Đường 19 ghi nhận nợ xấu nhiều nhất với 5,1 tỷ đồng, Công ty Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Đắk Lắk là 3,4 tỷ đồng…

Có thể thấy, nợ xấu của nhiều doanh nghiệp xây dựng đang "phình to" so với đầu năm 2024 dẫn đến nguy cơ mất vốn tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh sắp tới.