Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan để lấy ý kiến về phương án hạn chế phương tiện phát thải cao tại các khu vực chịu ô nhiễm không khí nặng nề, đặc biệt là khí thải từ giao thông đường bộ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường bảo vệ môi trường, yêu cầu TP. Hà Nội triển khai lộ trình đến ngày 1/7/2026 không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Giai đoạn tiếp theo, từ 1/1/2028, sẽ mở rộng cấm xe máy và hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng trong Vành đai 2, tiến tới đến năm 2030 cấm hoàn toàn trong Vành đai 3.

Trên thực tế, lộ trình loại xe xăng, phủ xe điện TP. HCM đã được khởi động từ năm 2023, với huyện Cần Giờ (cũ) được chọn làm điểm khởi đầu. Gần đây, sau sáp nhập mở rộng địa giới, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được đã đề nghị Tập đoàn Vingroup hỗ trợ nghiên cứu phương án giao thông xanh toàn diện cho Cần Giờ và Côn Đảo. Mục tiêu: triển khai mô hình phủ sóng 100% xe điện tại hai địa phương này, hướng đến phát triển bền vững gắn với đặc thù sinh thái – du lịch.

Áp lực ô nhiễm từ xe cá nhân đang là thách thức lớn. Theo thống kê mới nhất, TP. HCM đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, gồm hơn 1 triệu ô tô và 8,6 triệu xe máy, tăng lần lượt 9% và 2% so với năm trước. Chưa kể đến lượng lớn xe từ các tỉnh lân cận như Bình Dương hay Bà Rịa – Vũng Tàu đang hoạt động thường xuyên tại TP. HCM. Ước tính, mỗi ngày thành phố phải "chịu trận" với khí thải từ khoảng 12 – 13 triệu xe cá nhân, trở thành một trong những nguồn phát thải ô nhiễm lớn nhất đô thị.

Nối gót Hà Nội, TP. HCM gấp rút triển khai lộ trình loại xe xăng, phủ xe điện

Ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông là bài toán cấp bách của các thành phố lớn tại VN. ẢNH: NHẬT THỊNH

Trên cơ sở đó, TP. HCM đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, dự kiến trình trong quý III năm nay. Trọng tâm của đề án là chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho nhóm phương tiện công cộng và kinh doanh như taxi, xe công nghệ, xe khách và phương tiện cơ quan – doanh nghiệp. Một trong những điểm nhấn là đề xuất chính sách thu mua, đổi xe cũ lấy xe điện để kiểm soát khí thải tới năm 2030, tầm nhìn 2050.

Đặc biệt, chương trình thí điểm chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng đang bước vào giai đoạn quyết định. Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM sẽ trình UBND Thành phố đề án trong tháng 7. Nếu được thông qua, thành phố sẽ bắt đầu hỗ trợ chuyển đổi từ 1.1.2026. Dự kiến, trong vòng hai năm, có thể thay thế 80% xe máy xăng trong nhóm này bằng xe điện – một bước tiến quan trọng hướng tới “xanh hóa” đội ngũ giao thông cá nhân.

Không nằm ngoài chiến lược tổng thể, lĩnh vực vận tải công cộng cũng đang được "điện hóa". TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ 2.771 xe buýt đang lưu hành sẽ chuyển đổi sang xe điện hoặc sử dụng năng lượng xanh. Trong đó, 1.663 xe sẽ thay thế trên các tuyến hiện hữu, còn 1.108 xe đầu tư mới trên các tuyến bổ sung.

Việc TP. HCM nối bước Hà Nội thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các đô thị lớn trong lộ trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.