Bảng xếp hạng PCI năm 2024 cho thấy Hải Phòng đứng ở vị trí đầu tiên với 74,84 điểm. Đứng ở vị trí thứ hai là Quảng Ninh với 73,2 điểm, tăng 1,95 điểm so với năm 2023.

Trong đó, Quảng Ninh duy trì được sự cải thiện ở 5/10 lĩnh vực điều hành được đo lường bởi PCI, gồm: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý – an ninh trật tự. Đây là năm thứ 12 liên tiếp Quảng Ninh duy trì nằm trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI kể từ năm 2013.

Quảng Ninh luôn xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Vì vậy, tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững và đa dạng, với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô và chất lượng.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 12.021 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đang hoạt động (trong đó có 10.832 doanh nghiệp, 801 chi nhánh và 388 văn phòng đại diện), với tổng số vốn đăng ký 369.711 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chiếm 97,84%; doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm 0,72%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 1,44%.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 38.141 hộ kinh doanh; trong đó, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán phải nộp thuế là 22.806; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải nộp thuế là 13.299; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai là 2.036.

Hộ kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, chiếm tới 83,3% trong tổng số hộ kinh doanh (tập trung nhiều tại các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô...).

PCI 2024: Bí quyết để tỉnh đứng top 5 trong 12 năm liên tiếp bứt phá kinh tế tư nhân
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Để phát triển kinh tế tư nhân, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời triển khai các kế hoạch cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh và phát triển bền vững, như hỗ trợ tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai), mở rộng thị trường…

Để thúc đẩy phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết 05-NQ/TU về cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; Nghị quyết 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện; Nghị quyết 13-NQ/TU về phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã thông qua 13 nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, tập trung vào việc tiếp cận nguồn lực, nguồn vốn, đất đai, mở rộng thị trường...

Tỉnh cũng tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Những nỗ lực này đã tạo đà phát triển cho kinh tế tư nhân, khi số lượng doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng, quy mô ngày càng mở rộng. Riêng trong năm 2024, toàn tỉnh có 2.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021–2023 đạt hơn 294.000 tỷ đồng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 70%.

Để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ như cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

Quảng Ninh đang dần khẳng định vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế tư nhân. Đối với Quảng Ninh, kinh tế tư nhân không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là yếu tố then chốt để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ hiện đại và văn minh.