CTCP May Sông Hồng (HoSE: MSH) vừa thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng), theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 26/04/2025.

Cụ thể, MSH dự kiến phát hành hơn 37,5 triệu cổ phiếu thưởng, tương ứng tỷ lệ 2:1 (50%), tức sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2024 theo báo cáo tài chính kiểm toán. Cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hồ sơ đầy đủ. Sau phát hành, vốn điều lệ của MSH sẽ tăng từ hơn 750 tỷ đồng lên 1.125 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2024, cổ đông MSH đã nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 35%, tương ứng 3.500 đồng/cp, tổng giá trị chi trả là 262,5 tỷ đồng. Năm 2025, công ty dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt trong khoảng 30–45%, tùy thuộc vào kết quả kinh doanh.

Công ty may 11.400 nhân sự chốt trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%, giữ kế hoạch lãi kỷ lục bất chấp áp lực thuế Mỹ
Lịch sử trả cổ tức của May Sông Hồng

Từ năm 2018 đến nay, MSH đều đặn chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 25–45%, riêng năm 2021 còn chia thêm cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1.

Mục tiêu lãi kỷ lục 600 tỷ đồng bất chấp thuế Mỹ

May Sông Hồng là một trong những doanh nghiệp đầu ngành dệt may, với sản phẩm chủ lực là chăn, ga, gối, đệm. Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cùng một số thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Canada, Mexico và các quốc gia Trung Đông. Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp với 55 nhà phân phối và 192 đại lý, phủ sóng tại 49/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài xuất khẩu trực tiếp, May Sông Hồng còn nhận gia công cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như Columbia Sportswear, Haddad Brands (sở hữu các thương hiệu Nike, Converse, Levi’s), G-III Apparel Group (Calvin Klein, Tommy Hilfiger, DKNY), Walmart, Bugatti, Sae-A Trading, Target và Express.

Công ty may 11.400 nhân sự chốt trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%, giữ kế hoạch lãi kỷ lục bất chấp áp lực thuế Mỹ
Tính đến cuối năm 2024, May Sông Hồng đang có 11.383 lao động (Ảnh minh họa)

Hiện May Sông Hồng sở hữu 26 xưởng sản xuất, tập trung chủ yếu tại tỉnh Nam Định. Tính đến cuối năm 2024, công ty có 11.383 lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà máy tại Ai Cập. Giai đoạn 1, nhà máy dự kiến tuyển dụng 800 công nhân và vận hành 15 chuyền sản xuất; giai đoạn 2 sẽ tuyển thêm 2.500 công nhân với 45 chuyền, bắt đầu hoạt động vào năm 2027.

Năm 2024, May Sông Hồng ghi nhận doanh thu hợp nhất 5.280 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 544 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, công ty đặt mục tiêu đạt 5.500 tỷ đồng doanh thu và 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11% so với năm trước và sẽ là mức cao nhất trong lịch sử nếu hoàn thành. Kế hoạch này không thay đổi, bất chấp thông tin về chính sách thuế mới. Lãnh đạo công ty cho rằng thị trường không quá bi quan và kỳ vọng sẽ đón thêm nhiều đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, lãnh đạo MSH chia sẻ: Trước chính sách thuế của Mỹ, đơn hàng có thể bị cắt giảm, tuy nhiên công ty kỳ vọng sẽ đón được nguồn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc, qua đó duy trì triển vọng tích cực. Hiện tại, MSH đã xác nhận được đơn hàng đến cuối năm và đang chờ kết quả đàm phán giữa Chính phủ, khách hàng và các bên liên quan.

“Mỹ chỉ cần áp thuế thêm 10%, nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Các quốc gia sẽ đàm phán với Mỹ để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Hy vọng kịch bản tăng thuế khó xảy ra”, lãnh đạo MSH nhận định.

Hiện tại, Việt Nam tiếp tục là điểm đến được hưởng lợi nhờ lực lượng lao động thông minh, khéo léo và cần cù. Dù các đối thủ như Bangladesh, Indonesia đang nổi lên, nhưng vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng hiệu quả đầu tư tại các quốc gia này. Trong bối cảnh thuế quan tạo sức ép chung, việc dịch chuyển thị trường sản xuất không hề dễ dàng. Châu Á, với năng lực sản xuất mạnh và khả năng đáp ứng dịch vụ tốt, vẫn là khu vực cạnh tranh hàng đầu.

Lãnh đạo MSH nhận định, Việt Nam vẫn là lựa chọn ưu tiên của khách hàng và đối tác quốc tế. Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững và củng cố vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.