Theo Báo cáo “Toàn Cảnh Đầu Tư Trung Tâm Dữ Liệu Khu Vực Châu Á - Thái Bình Dương” (The Asia Pacific Data Center Investment Landscape) do Tập đoàn Cushman & Wakefield công bố, hiệu suất đầu tư trên chi phí (YoC) của Việt Nam đạt tới 17,5% đến 18,8%, chỉ xếp sau Singapore (YoC từ 21% đến 23%) trong toàn khu vực.

Vượt mặt loạt quốc gia, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về hiệu suất đầu tư trung tâm dữ liệu
Hiệu suất đầu tư trên chi phí (YoC) - Nguồn: Tập đoàn Cushman & Wakefield

Kết quả này là minh chứng giúp Việt Nam khẳng định vị thế là một điểm đến chiến lược trong làn sóng đầu tư công nghệ cao, chuyển đổi số.

Đi sâu hơn vào báo cáo, để lý giải cho vị trí thứ 2 của Việt Nam, báo cáo này đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất, nhờ vào các yếu tố chính sau đây: Chi phí cạnh tranh; Tiềm năng tăng trưởng lạc quan; Kinh tế vĩ mô ổn định; Chính sách hỗ trợ tích cực từ Chính phủ.

Chi phí cạnh tranh

Theo báo cáo, tổng nhu cầu vốn đầu tư CapEx (các khoản đầu tư vào tài sản cố định để phục vụ hoạt động kinh doanh và tạo ra lợi nhuận trong tương lai) cho các dự án trung tâm dữ liệu tại Việt Nam ước tính đạt 7,1 triệu USD. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức trung bình khu vực là 10,1 triệu USD/MW và thấp gần một nửa so với Nhật Bản – thị trường có chi phí cao nhất với 16,1 triệu USD/MW.

Ngoài ra, một thuận lợi khác cho việc đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại thị trường Việt Nam là phần bù rủi ro. Theo báo cáo, tỷ suất vốn hóa (cap rate) tại Việt Nam hiện dao động từ 7% đến 8%, cao hơn mức trung bình khu vực là 5,8%, cho thấy phần bù rủi ro hấp dẫn cho các nhà đầu tư sẵn sàng đón đầu thị trường.

Tiềm năng tăng trưởng lạc quan

Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là một phần của bức tranh rộng lớn hơn trong khu vực, đồng thời phản ánh nhu cầu mạnh mẽ trong khi nguồn cung còn hạn chế, đồng nghĩa với tiềm năng tăng trưởng lạc quan trong tương lai.

Theo báo cáo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện có mật độ trung bình hơn 350.000 người trên mỗi MW công suất – cao gấp nhiều lần so với Mỹ.

Vượt mặt loạt quốc gia, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về hiệu suất đầu tư trung tâm dữ liệu
Tỷ lệ dân số trung bình trên mỗi MW - Nguồn: Tập đoàn Cushman & Wakefield

Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ dân số tính trung bình trên mỗi MW vẫn nằm trong nhóm cao nhất khu vực. Nghĩa là tiềm năng nhu cầu rất tích cực nhưng thiếu cung, cơ sở hạ tầng về trung tâm dữ liệu còn thấp, do đó tiềm năng đầu tư rất cao. Báo cáo chỉ ra tỷ lệ mật độ dân số trên mỗi MW tại Việt Nam lên tới con số 1.773.499 người.

Hơn nữa, ngay cả khi toàn bộ các dự án đang được xây dựng và đang quy hoạch được hoàn thành vào năm 2030, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thiếu hụt trung tâm dữ liệu nhất với tỷ lệ 692.563 người trên mỗi MW.

Kinh tế vĩ mô ổn định

Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành trung tâm dữ liệu.

Theo báo cáo, dù chưa đạt ngưỡng GDP 1.000 tỷ USD như các thị trường lớn trong khu vực, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và có tiềm năng bứt phá.

Theo phân tích của tập đoàn, nhóm các thị trường có GDP dưới 1.000 tỷ USD - bao gồm Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và New Zealand - hiện chiếm 7% GDP khu vực nhưng chỉ đóng góp 5% tổng công suất trung tâm dữ liệu, cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn trong tương lai.

Vượt mặt loạt quốc gia, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về hiệu suất đầu tư trung tâm dữ liệu
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Chính sách hỗ trợ tích cực từ Chính phủ

Một yếu tố quan trọng khác góp phần nâng cao sức hấp dẫn của thị trường chính sách hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ.

Ông Pritesh Swamy, Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương tại Cushman & Wakefield, nhận định: “Việt Nam gần đây cho phép nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu đất và toàn quyền xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu mà không cần đối tác trong nước là một bước tiến quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy hạ tầng số”.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây đang bùng nổ trên toàn cầu, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là một điểm đến chiến lược cho đầu tư trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á.

Vì vậy, với chi phí cạnh tranh, hiệu suất đầu tư cao, nhu cầu hạ tầng số ngày càng tăng và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, Việt Nam hứa hẹn sẽ là tâm điểm thu hút dòng vốn quốc tế trong giai đoạn 2025 - 2030 và xa hơn nữa, Cushman & Wakefield nhấn mạnh.