Tại tọa đàm “Sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA), nhấn mạnh, Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 vẫn “thiếu tính đột phá”, chỉ dừng ở mức điều chỉnh kỹ thuật nhỏ, trong khi thực tiễn thị trường và định hướng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều thay đổi.
Một trong những bất cập lớn được ông Hùng chỉ ra là tập quán tiêu dùng vàng tại Việt Nam.
“Chỉ có ở Việt Nam, người dân mới đổ xô mua vàng miếng. Ở các nước khác như Lào – nơi chúng tôi đang xuất khẩu vàng, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng mà chỉ mua vàng trang sức”, ông Hùng dẫn chứng, đồng thời đặt vấn đề: “Tập quán này có phải do chính sách tạo ra hay không?”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Nho Bảng – Chủ tịch VGTA, nhấn mạnh ở góc độ quản lý, nhà điều hành cần định hướng về chính sách là không để người dân tập trung mua bán vàng miếng, tránh để vốn chết trong dân. Thay vào đó phải huy động, dành nguồn vốn lớn đó tập trung vào phát triển kinh tế.
![]() |
Chính sách điều hành thị trường vàng cần hướng đến mục tiêu giảm nhu cầu mua bán vàng miếng, khuyến khích chuyển hóa dòng vốn trong dân vào đầu tư, sản xuất kinh doanh thay vì tích trữ. |
Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012 chưa có công cụ nào thực hiện được điều này. Do đó, Hiệp hội vẫn còn nhiều trăn trở.
VGTA cũng nhận thấy vai trò của sản xuất và kinh doanh vàng trang sức còn chưa được nêu cao trong Dự thảo. Theo Hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên định hướng và ra chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh vàng trang sức, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu, và từng bước làm giảm nhu cầu mua bán, nắm giữ vàng miếng trong dân bằng nhiều giải pháp kinh tế mang tính thị trường.
“Không thể để vàng miếng trở thành nơi găm giữ tài sản làm "vốn chết". Nhưng hiện Dự thảo chưa có công cụ nào để thực hiện điều này một cách thực chất”, ông Bảng nói.
Hiệp hội kiến nghị nên điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế. Cụ thể, có thể miễn thuế đối với giao dịch vàng trang sức của người dân, nhưng áp thuế với hoạt động mua bán vàng miếng mang tính đầu cơ. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hóa thương hiệu vàng miếng và tăng nguồn cung ra thị trường.
VGTA cũng đề xuất NHNN khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức nhằm tạo tác động tâm lý, từng bước định hướng người dân chuyển từ tích trữ vàng miếng sang giao dịch vàng trang sức. Về lâu dài, điều này sẽ góp phần bình thường hóa thị trường, giảm sức ảnh hưởng của vàng miếng, giống như xu hướng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Một nghịch lý được chỉ ra là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng mỹ nghệ hiện đang phải mua nguyên liệu trôi nổi, vì không thể tiếp cận nguồn vàng chính thức. Trong khi đó, Dự thảo mới vẫn giữ quy định xin phép với từng lô hàng, chưa cởi trói thật sự cho doanh nghiệp.
“Tình trạng này khiến các doanh nghiệp vừa thiếu đầu vào, vừa hạn chế đầu ra. Họ buộc phải tìm đến thị trường chợ đen, vô tình tiếp tay cho buôn lậu vàng”, ông Nguyễn Thế Hùng cảnh báo.
Bên cạnh những bất cập về định hướng chính sách, VGTA cũng nhấn mạnh tình trạng thủ tục hành chính rườm rà như giấy phép từng lần xuất khẩu, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ, khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động theo từng giờ, từng ngày.
“Chúng ta đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng chính sách lại kìm chân doanh nghiệp. Làm sao cạnh tranh nổi với Thái Lan, Ấn Độ - những quốc gia đã bỏ cơ chế xin – cho từ lâu?”, ông Bảng đặt câu hỏi.
Trên cơ sở đó, VGTA đề nghị chỉ quy định NHNN cấp hạn mức xuất nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm, phân bổ cho từng doanh nghiệp ngay từ quý I theo nguyên tắc công khai, minh bạch, không phát sinh giấy phép con.
Với cơ chế này, doanh nghiệp có thể chủ động tính toán thời điểm và khối lượng xuất nhập khẩu trong hạn mức được cấp, linh hoạt ứng biến theo thị trường. Doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm báo cáo định kỳ với NHNN về việc thực hiện hạn mức. Trường hợp cần điều chỉnh bổ sung, NHNN sẽ xem xét trên cơ sở hiệu quả và năng lực thực tế của doanh nghiệp.
"Đây là giải pháp cân bằng giữa quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho thị trường vận hành thông suốt, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm gánh nặng hành chính một cách thực chất", VGTA cho hay.