Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) được giới khoa học thế giới công nhận là một trong những loại nhân sâm quý hiếm và có giá trị y học cao nhất hiện nay. Loài sâm này phân bố chủ yếu tại vùng núi Ngọc Linh, thuộc địa phận Quảng Nam và Kon Tum, ở độ cao từ 1.200 đến 2.100 mét so với mực nước biển. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt tại đây chính là yếu tố then chốt giúp sâm Ngọc Linh phát triển và tích lũy hàm lượng hoạt chất quý giá.
Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 do Bộ Y tế công bố, sâm Ngọc Linh chứa đến 52 loại saponin – những hợp chất có tác dụng dược lý mạnh mẽ – trong đó có 26 loại saponin không tìm thấy ở bất kỳ loài sâm nào khác. Đáng chú ý nhất là Saponin MR2, hoạt chất hiếm có cơ chế hoạt động như một dạng kháng sinh tự nhiên, hỗ trợ chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa tế bào ung thư và giảm thiểu tác dụng phụ từ hóa – xạ trị.
Trong khi củ và rễ sâm được khai thác để phục vụ cho ngành dược phẩm, thì hạt của cây sâm Ngọc Linh lại được xem là “vàng sống” bởi mức độ hiếm và giá trị kinh tế cực cao. Cây sâm Ngọc Linh mất trung bình 3 đến 4 năm mới có thể ra hoa và đậu quả. Vào mùa hạt (khoảng từ tháng 7 đến tháng 9), mỗi cây thường chỉ có một nhánh hoa, rất ít cây có thể phát triển đến 2–3 nhánh, nên số lượng hạt thu hoạch được hằng năm vô cùng hạn chế.
![]() |
Một cây sâm Ngọc Linh mất từ 3-4 năm để ra quả, số lượng rất ít nên hạt khan hiếm và đắt đỏ. Ảnh minh họa |
Điều này lý giải vì sao người dân trồng sâm tại khu vực Ngọc Linh hầu như không bán hạt ra thị trường. Phần lớn đều giữ lại để nhân giống, ươm cây mới. Chính sự khan hiếm này đã đẩy giá hạt sâm lên mức “không tưởng”, trung bình khoảng 110.000 đến 120.000 đồng mỗi hạt. Theo ước tính, để có được 1kg hạt sâm cần tới hơn 2.000 hạt, đồng nghĩa với mức giá dao động từ 220 triệu đến 240 triệu đồng/kg.
Cơn sốt hạt sâm Ngọc Linh khiến không ít đối tượng trục lợi tung ra thị trường các sản phẩm giả, kém chất lượng. Trên mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện nhiều lời rao bán hạt sâm với mức giá chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng mỗi kg, thấp gấp hàng trăm lần so với giá thực tế. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi các loại hạt nhái, hạt lai hoặc sâm ngoại được “hô biến” thành hàng Việt Nam.
Chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, giấy tờ chứng minh xuất xứ và đặc điểm sinh học của hạt sâm Ngọc Linh trước khi mua. Tốt nhất nên tìm đến các cơ sở có uy tín tại Quảng Nam, Kon Tum hoặc mua thông qua các kênh phân phối chính thức được nhà nước kiểm định.