Bạch đậu khấu – một loại gia vị có mùi thơm đặc trưng, vị cay the – đang dần khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Không chỉ được xem là “vàng xanh” của núi rừng Việt Nam, loại cây này còn góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu nhóm gia vị của nước ta.

Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1.684 tấn bạch đậu khấu, nhục đậu khấu, đạt 15,3 triệu USD, tăng lần lượt 8,4% về sản lượng và 21,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Loại gia vị quý hiếm, mùi thơm vị cay, giúp Việt Nam thu về hơn 15 triệu USD chỉ trong 6 tháng
Ảnh minh họa

Hai doanh nghiệp xuất khẩu lớn là Nedspice Việt Nam (1.152 tấn) và Olam Việt Nam (361 tấn). Thị trường tiêu thụ chủ yếu gồm Hà Lan (532 tấn), Mỹ (352 tấn), Anh (256 tấn) và Đức (240 tấn) – những quốc gia chuộng thực phẩm sạch, có giá trị dược liệu.

Bạch đậu khấu có tên khoa học Amomum repens Sonner, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), thường mọc hoang hoặc được trồng ở các vùng núi cao như Lào Cai, Cao Bằng, nơi có khí hậu mát mẻ. Cây cao từ 2–3 mét, sống lâu năm, ra quả hình cầu, vỏ nhăn, mùi thơm, vị cay – thường được thu hái vào mùa thu khi quả chuyển từ xanh sang vàng. Quả và hoa là bộ phận chính dùng làm gia vị và dược liệu.

Một loại gia vị cao cấp khác cũng đang được xuất khẩu từ Việt Nam là nhục đậu khấu, có tên khoa học Myristica fragrans, thuộc họ Myristicaceae. Đây là cây thân gỗ, cao 8–10m, xuất xứ từ Indonesia, và hiện đã được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam nước ta.

Loại gia vị quý hiếm, mùi thơm vị cay, giúp Việt Nam thu về hơn 15 triệu USD chỉ trong 6 tháng
Ảnh minh họa

Sau 7–8 năm, cây cho thu hoạch ổn định, với 2 vụ mỗi năm (vào tháng 11–12 và 4–6). Nhục đậu khấu có hương vị ngọt bùi, hơi the, không chỉ dùng làm gia vị, mà còn là chất tạo hương trong cà phê và bánh kẹo cao cấp.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhiều loại gia vị phổ biến như hạt tiêu, quế, hoa hồi… Đến tháng 3/2023, nước ta có 500.000ha cây gia vị, với hàng trăm nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ và khoảng 400 doanh nghiệp trong ngành.

Không chỉ nổi tiếng với hồ tiêu, quế, hoa hồi, giờ đây bạch đậu khấu và nhục đậu khấu cũng đang dần tạo được chỗ đứng trên bản đồ xuất khẩu thế giới.