Các ốc đảo sa mạc phía bắc Saudi Arabia trước đây đã là nơi sinh sống của những người dân định cư từ thiên niên kỷ thứ 4 và thứ 3 trước Công nguyên.

Trong đó có Ốc đảo Khaybar, một trong những kỳ quan thiên nhiên của vùng tây bắc Saudi Arabia và là nơi có hệ thực vật và động vật bản địa phong phú. Khu vực này có nguồn cung cấp nước tốt và môi trường thuận lợi hiếm hoi giữa hoang mạc để phát triển nông nghiệp và chăn thả gia súc.

Theo Arkeo News, một pháo đài bao quanh ốc đảo này vừa được tìm thấy bởi nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và Ủy ban Hoàng gia AlUla (RCU).

Sử dụng khảo sát thực địa và dữ liệu viễn thám kết hợp với nghiên cứu kiến ​​trúc, các nhà khoa học từ CNRS và RCU đã tiết lộ rằng tòa thành cổ dài khoảng 14,5km và rộng từ 1,7 đến 2,4m. Các bức tường kiên cố này có khả năng cao tới 5m và bên trong nó là khu định cư rộng gần 1.100ha.

‘Pháo đài’ khổng lồ 4.000 năm tuổi được phát hiện giữa hoang mạc, bên trong là khu định cư rộng 1.100ha
Góc nhìn từ trên cao của bức tường làm từ đá bao quanh khu vực Ốc đảo Khaybar. Ảnh: CNRS

Nhóm các nhà khoa học ước tính các bức tường của khu định cư được xây dựng từ năm 2250 đến năm 1950 trước Công nguyên. Họ xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của các mẫu được thu thập trong quá trình khai quật.

Ngày nay, 4.000 năm sau, gần một nửa chiều dài bức tường và 74 pháo đài nhằm mục đích phòng thủ vẫn còn được bảo tồn.

Bức tường thành này là một trong những công trình kiến trúc cổ dài nhất từng được biết đến trên thế giới. Cùng với Ốc đảo Tayma được khám phá trước đó, đây là 2 ốc đảo có tường bao quanh lớn nhất từng được khai quật ở Saudi Arabia, đại diện cho một dạng khu định cư cổ đại đáng ngưỡng mộ.

‘Pháo đài’ khổng lồ 4.000 năm tuổi được phát hiện giữa hoang mạc, bên trong là khu định cư rộng 1.100ha
Quang cảnh của những bức tường và pháo đài trong quá trình khai quật. Ảnh: CNRS

Phát hiện này còn là bằng chứng cho thấy tồn tại sự sống của con người ở đây và cung cấp thêm hiểu biết về sự phức tạp của xã hội trong khu vực thời kỳ tiền Hồi giáo.

Cuộc khám phá tòa thành cổ 4.000 năm này là một bước tiến quan trọng trong việc hiểu về lịch sử và văn minh của khu vực này. Đây là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của người dân Saudi Arabia trong việc xây dựng các công trình kiến trúc phức tạp và tạo ra một môi trường sống thịnh vượng giữa hoang mạc khắc nghiệt.