Trong bài phát biểu vào tháng 8/2022 tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra một cam kết táo bạo là biến Ấn Độ thành một quốc gia phát triển vào năm 2047.

Hơn 1 năm sau, cụm từ “Viksit Bharat” – hay “Ấn Độ phát triển” – đã xác định tầm nhìn kinh tế của ông Modi cho nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3, nếu như ông chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia bắt đầu vào ngày 19/4 và kéo dài đến ngày 1/6.

Cụm từ này xuất hiện trong ít nhất 23 trên tổng số 29 bài phát biểu chính thức của ông Modi kể từ tháng 3 năm nay. Nó cũng thường xuyên có trong các bài thuyết trình của các Bộ trưởng Chính phủ và được cho vào các văn bản chính sách.

Quốc gia châu Á tham vọng tăng trưởng 8% trong suốt hàng chục năm, GDP tăng gấp 6 lần
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Getty Images

Tham vọng của Ấn Độ

Tại một sự kiện hồi tháng 3/2024, ông Modi nói: “Thập kỷ này rất quan trọng để thực hiện ước mơ về một Viksit Bharat, thực hiện những khát vọng mà trước đây người dân dường như chưa thể chạm tới được”.

Tuy nhiên, việc không có định nghĩa chuẩn nào về một quốc gia phát triển và ông Modi cũng chưa công bố bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, khiến các nhà kinh tế khó đánh giá cơ hội đạt được mục tiêu của Ấn Độ.

Các nhà phân tích tại Oxford Economics kết luận rằng Ấn Độ sẽ cần tăng mức thu nhập bình quân đầu người từ 2.434 USD vào năm ngoái lên 13.845 USD, dựa trên mức giá năm 2023, để được xếp hạng là quốc gia có mức thu nhập cao.

Điều này đòi hỏi phải tăng GDP lên hơn 6 lần để đạt khoảng 23 nghìn tỷ USD, có nghĩa là kinh tế Ấn Độ cần có mức tăng trưởng ít nhất 8% mỗi năm trong 1/4 thế kỷ tới.

Nhà kinh tế trưởng Alexandra Hermann của Oxford Economics cho biết mục tiêu của ông Modi “rất tham vọng”. Nhà kinh tế nhận định: “Không có gì là không thể, nhưng chúng tôi dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng trung bình 6,6%/năm trong 5 năm tới, với tốc độ mở rộng chậm lại trong trung hạn khi nền kinh tế phát triển hơn nữa.”

Quốc gia châu Á tham vọng tăng trưởng 8% trong suốt hàng chục năm, GDP tăng gấp 6 lần
GDP hàng năm của Ấn Độ. Nguồn: IMF

Mặc dù kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng hơn 7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 và dự kiến sẽ duy trì mức đó trong năm tài chính hiện tại, nhưng việc đạt được tốc độ ổn định 8% là vô cùng khó khăn.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia làm được điều này khi ghi nhận tăng trưởng trung bình 10%/năm trong khoảng 3 thập kỷ sau khi bắt đầu cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970. Dù vậy, Ngân hàng Thế giới (Worrld Bank) vẫn xếp nước này là quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Tom Miller, nhà phân tích cấp cao tại Gavekal Research, bình luận: “Vì Ấn Độ chưa bao giờ đạt được mức tăng trưởng 8%/năm một cách nhất quán, tôi nghĩ đây là một tham vọng khá xa vời”.

Theo Miller, Ấn Độ bị hạn chế về tài chính hơn Trung Quốc và nền kinh tế của quốc gia này cũng không được cấu trúc để phát triển thông qua các khoản đầu tư khổng lồ kiểu Trung Quốc.

Đồng thời, nhà phân tích cũng cho rằng điều đó không có nghĩa là Ấn Độ không thể tăng trưởng nhanh chóng và “phát triển thành công trong 1/4 thế kỷ tới, đó mới là điều thực sự quan trọng”.

Thách thức trước mắt

Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc (UN), bao gồm các số liệu về y tế và giáo dục cùng các thước đo khác về chất lượng cuộc sống, thường được sử dụng để đo lường sự thịnh vượng của một quốc gia ngoài mức thu nhập.

Theo thước đo này, Ấn Độ hiện được xếp hạng ở mức trung bình với chỉ số là 0,64 trong khi một quốc gia cần chỉ số trên 0,8 mới được coi là nước phát triển.

Quốc gia châu Á tham vọng tăng trưởng 8% trong suốt hàng chục năm, GDP tăng gấp 6 lần
Chỉ số Phát triển con người và GDP bình quân đầu người của Ấn Độ và Trung Quốc. Nguồn: IMF, UN

Những thách thức lớn nhất của Ấn Độ sẽ là cải thiện hệ thống giáo dục và cung cấp thêm việc làm cho hàng triệu thanh niên tham gia thị trường lao động hàng năm. Nghiên cứu của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy gần 1/3 số sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước này đang thất nghiệp, tỷ lệ này cao hơn 9 lần so với những người không biết đọc hoặc viết trong nước.

Milan Vaishnav, Giám đốc và thành viên cấp cao của chương trình South Asia Program tại viện Hòa bình Quốc tế Carnegie, chia sẻ rằng “Viksit Bharat” không xoay quanh các mục tiêu khó thực hiện mà tập trung nhiều hơn vào việc khai thác tinh thần đầy khát vọng của người Ấn Độ - những người nhận thấy đất nước của họ đang phát triển lên tầm vóc quốc tế.

Trong gần 10 năm làm Thủ tướng, ông Modi đã triển khai một số chiến dịch nhằm nâng cao vị thế của Ấn Độ.

Trong đó, chương trình “Make in India” của ông, nhằm mục đích biến đất nước thành trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới để cạnh tranh với Trung Quốc, được cho là đã giúp tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm lên hơn 40% kể từ năm 2014.

Bên cạnh việc vận động các doanh nghiệp Mỹ như Apple và Tesla mở rộng hoặc xây dựng nhà máy ở Ấn Độ, chính quyền của ông cũng thu hút các nhà đầu tư ở Trung Đông.

Trong khi các quan chức chưa công bố các mục tiêu kinh tế cần đạt được cho năm 2047, Bộ Tài chính Ấn Độ ước tính nền kinh tế sẽ chạm ngưỡng 6,69 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và 29,02 nghìn tỷ USD vào năm 2047.

Họ cho biết, trong 6 năm tới, mục tiêu của ông Modi là tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người lên 4.418 USD.