Interpol vừa hoàn tất chiến dịch toàn cầu Pangea XVII kéo dài từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025, hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 25/6/2025, chiến dịch đã triệt phá và kiểm tra tổng cộng 1.728 điểm nóng, tịch thu tới 50,4 triệu sản phẩm dược phẩm bất hợp pháp, gồm thuốc không rõ nguồn gốc, hàng giả hoặc nhãn mác sai lệch, với tổng giá trị khoảng 65 triệu USD (tương đương 1.696 tỷ đồng).
![]() |
Những sản phẩm thuốc giả, thuốc không được phê duyệt sử dụng bị tịch thu trong Chiến dịch Pangea 17. (Ảnh: Interpol) |
Có tới 93% số sản phẩm thu giữ là thuốc không được cơ quan y tế cấp phép, còn 7% bị xác định là giả mạo hoàn toàn. Ngoài ra, chiến dịch đã bắt giữ 769 nghi phạm, triệt phá 123 đường dây tội phạm, đồng thời đóng cửa khoảng 13.000 trang web, kênh mạng xã hội và bot trực tuyến chuyên quảng bá, rao bán thuốc bất hợp pháp.
Những loại thuốc bị tịch thu nhiều nhất thuộc nhóm: thuốc hướng thần, thuốc chống lo âu, điều trị Parkinson và rối loạn cương dương. Ngoài ra còn có thuốc steroid, thuốc điều trị tiểu đường, thực phẩm chức năng, các chế phẩm peptide… Nhu cầu mua thuốc giảm cân hoặc tăng cơ qua mạng tiếp tục là mối đe dọa đối với sức khỏe, vì những sản phẩm này thường chứa thành phần chưa được kiểm chứng về an toàn.
![]() |
Phát hiện dược phẩm bất hợp pháp trong một container tại Ethiopia. (Ảnh: Interpol) |
Interpol cảnh báo nhiều dược phẩm giả có thể chứa hóa chất độc hại, gây bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong. Đồng thời, việc mua bán qua các nền tảng trực tuyến tạo điều kiện cho tội phạm phát triển mạnh hơn.
Chiến dịch diễn ra trên diện rộng tại hơn 90 quốc gia, trong đó Australia là quốc gia tịch thu nhiều sản phẩm nhất. Các quốc gia như Canada, Ireland, Malaysia, Hà Lan, Mỹ cũng tham gia thu giữ hàng loạt thuốc giả. Chiến dịch còn bao gồm sự phối hợp của nhiều tổ chức quốc tế như WHO, WCO, Europol, UNODC... nhằm chống lại tội phạm buôn bán thuốc nguy hiểm này.
![]() |
Tịch thu thuốc chống tiểu đường tại Bắc Ireland (Vương quốc Anh). (Ảnh: Interpol) |
Vụ việc một lần nữa đánh thức nhận thức cộng đồng về sự nguy hiểm tiềm tàng khi đặt mua thuốc hoặc thực phẩm chức năng qua mạng, đặc biệt là các sản phẩm giảm cân, peptide, thuốc tâm thần… Người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được cấp phép và nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.