Trong nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất nội địa và giảm phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký ban hành một Sắc lệnh Hành pháp yêu cầu Bộ Thương mại gỡ bỏ hoặc điều chỉnh các quy định đang cản trở ngành thủy sản trong nước. Động thái này được đánh giá là có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đáng kể tới các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, vốn đang phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.
Mỹ mở rộng phạm vi khai thác thủy sản
Theo sắc lệnh mới, Mỹ sẽ mở rộng hoạt động đánh bắt thương mại tại khu vực rộng 161.874ha thuộc Khu bảo tồn biển Quốc gia phía nam và tây Hawaii, đồng thời nới lỏng các hạn ngạch khai thác thủy sản tự nhiên – một thay đổi lớn sau nhiều năm kiểm soát chặt.
Ngoài ra, sắc lệnh cũng đặt nền móng cho một chiến lược thương mại thủy sản quốc gia nhằm đối phó với thủy sản nhập khẩu có "tiêu chuẩn môi trường và lao động thấp" hoặc có nguồn gốc không minh bạch – những cáo buộc thường được Mỹ sử dụng để siết nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam.
Song song với việc nới lỏng hoạt động đánh bắt, Mỹ cũng đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản thương mại tại vùng biển liên bang. Theo báo cáo “Điểm nhấn Nuôi trồng Thủy sản 2024” của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), ba khu vực được ưu tiên phát triển gồm: Nam California, Vịnh Mexico và Alaska.
![]() |
Mỹ sẽ mở rộng hoạt động đánh bắt thương mại tại khu vực rộng 161.874ha. Ảnh minh họa |
Tại Nam California, NOAA đề xuất 10 khu vực ngoài khơi với tổng diện tích khoảng 6.675 ha, phù hợp cho nuôi cá có vây, nhuyễn thể và rong biển. Ở Vịnh Mexico, cơ quan này xác định 4 khu vực nuôi trồng tiềm năng, chủ yếu nằm ngoài khơi bang Texas và Louisiana, với tổng diện tích khoảng 2.630 ha. Riêng tại Alaska, do bang phản đối hình thức nuôi cá để bảo vệ ngành đánh bắt cá hồi truyền thống, NOAA tập trung vào phát triển nuôi nhuyễn thể và rong biển, đồng thời đã tổ chức hơn 100 cuộc họp cộng đồng nhằm khảo sát và xác định vị trí tiềm năng cho nuôi biển tại đây.
Tại bang Washington, nơi từng được kỳ vọng phát triển nuôi cá tuyết đen – loài có giá trị xuất khẩu cao – chính quyền bang đã cấm hoàn toàn nuôi cá bằng lồng lưới, khiến kế hoạch phát triển nuôi biển tại đây gần như bế tắc.
Tuy nhiên, sắc lệnh mới của Tổng thống Trump thể hiện một cam kết mạnh mẽ trong việc đưa thủy sản Mỹ trở lại vị thế cạnh tranh, không chỉ với mục tiêu tăng sản lượng, mà còn chống lại sự phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu giá rẻ.
Ngành thủy sản Việt Nam đối diện nhiều bất lợi
Là một trong những nhà cung cấp thủy sản hàng đầu cho Mỹ, Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất lợi nếu Washington tiếp tục đẩy mạnh tự cung ứng trong ngành thủy sản. Trước hết, cạnh tranh sẽ gia tăng rõ rệt khi Mỹ giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng chủ lực từ Việt Nam như tôm, cá tra, cá ngừ và nhuyễn thể. Bên cạnh đó, chiến lược thương mại mới của Mỹ có thể kéo theo việc siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, tăng cường kiểm soát truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá.
![]() |
Doanh nghiệp Việt còn phải chịu áp lực lớn về giá khi nguồn cung nội địa tại Mỹ tăng lên. Ảnh minh họa |
Không chỉ mất thị phần, doanh nghiệp Việt còn phải chịu áp lực lớn về giá, khi nguồn cung nội địa tại Mỹ tăng lên khiến giá bán tại thị trường này sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, đây cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ cho ngành thủy sản Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời chuyển đổi theo hướng bền vững và minh bạch hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá lớn vào các thị trường truyền thống như Mỹ.
Chính sách mới của Mỹ là một bước ngoặt với ngành thủy sản toàn cầu, và là thách thức lớn với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Nếu không kịp thời thích ứng về chất lượng, minh bạch nguồn gốc và mở rộng thị trường, doanh nghiệp Việt có thể bị “gạt khỏi bàn tiệc” tại thị trường Mỹ – vốn đang ngày càng mang tính bảo hộ và cạnh tranh gay gắt hơn.