Theo Chi cục Thống kê tỉnh Nam Định, sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 duy trì đà tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,39% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,65%, đóng góp 24,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,21%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,48%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 51,23%, làm giảm 0,19 điểm phần trăm.
Về thu hút đầu tư, theo Sở Tài chính tỉnh, tính đến ngày 25/4/2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 235,4 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 8 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 122,2 triệu USD.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 4 tháng năm 2025 ước đạt 4.294 tỷ đồng, bằng 27,7% dự toán năm và tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi thường xuyên tiết kiệm, hiệu quả.
![]() |
Thành phố Nam Định - Ảnh: Chi cục Thống kê tỉnh Nam Định |
Trước đó, trong quý I/2025, tỉnh Nam Định đã ghi dấu ấn đặc biệt với nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,86% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ trước tới nay; xếp thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ ba cả nước, vượt xa mức trung bình toàn quốc (6,93%).
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc về đích trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức các hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đồng bộ, bám sát các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và Tỉnh ủy.
Từ định hướng đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành từng chỉ tiêu, kế hoạch rõ ràng cho từng ngành, từng cấp. Trong đó, các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần tập trung thực hiện là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tinh giản thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điều hành và phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Việc sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định thành một tỉnh mới sẽ mở ra cơ hội xây dựng một vùng kinh tế trọng điểm năng động và bền vững. Các địa phương với thế mạnh của mình sẽ bổ trợ lẫn nhau, hình thành một cấu trúc kinh tế đa dạng và linh hoạt, tạo ra chuỗi giá trị liên hoàn, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế toàn vùng.