Mùa báo cáo tài chính quý I/2025 đang dần khép lại, phần lớn các doanh nghiệp đã kịp công bố kết quả kinh doanh ngay trước kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Với nhóm ngân hàng, bên cạnh các chỉ tiêu lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng, chất lượng nợ vay cũng thu hút sự chú ý lớn từ nhà đầu tư. Nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng, trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB).
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Sacombank đạt 500.408 tỷ đồng, tăng gần 17.700 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương mức tăng 3,5%. Trong cơ cấu cho vay, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, tới 68,5% tổng dư nợ. Tổng tiền gửi khách hàng tại Sacombank đạt 533.358 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cũng đi kèm với sự suy giảm chất lượng nợ. Tổng nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) của Sacombank vượt 11.400 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm, tương ứng tăng 418 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 2,27% lên 2,28%.
Chi tiết các nhóm nợ xấu:
-
Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3): hơn 1.336 tỷ đồng, giảm 10,3%.
-
Nợ nghi ngờ (nhóm 4): hơn 3.783 tỷ đồng, giảm 17,6%.
-
Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5): hơn 6.282 tỷ đồng, tăng mạnh 28,2%.
Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ xấu và tăng mạnh hơn 28% so với đầu năm.
![]() |
Nguồn: Sacombank |
Áp lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, lãnh đạo Sacombank chia sẻ rằng thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn gia tăng trong bối cảnh rủi ro thị trường cao hơn, cùng với việc nhiều quy định pháp luật mới chính thức có hiệu lực, đang tạo thêm áp lực lớn đối với ngân hàng.
Sacombank hiện đang trong giai đoạn cuối thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, với thời hạn hoàn thành vào cuối năm 2025.
Theo chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, ngân hàng đang tập trung xử lý những khâu cuối cùng liên quan đến các khoản nợ và cổ phần liên quan đến nhóm ông Trầm Bê. Mục tiêu trọng tâm là kéo tỷ lệ nợ xấu và tài sản tồn đọng về dưới 3%, làm cơ sở để trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hoàn thành đề án tái cơ cấu.
![]() |
Ảnh ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank |
Lợi nhuận quý I tăng nhẹ nhờ giảm trích lập dự phòng
Dù chất lượng nợ vay có dấu hiệu suy giảm, nhưng Sacombank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2025 nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, chi phí trích lập dự phòng trong quý I chỉ còn 677 tỷ đồng, giảm 32,3% so với cùng kỳ, tương đương giảm khoảng 323 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý I/2025 đạt 2.111 tỷ đồng, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Kết quả kinh doanh của Sacombank |
Xét về cơ cấu lợi nhuận, thu nhập lãi thuần của Sacombank đạt 5.950 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Một số mảng kinh doanh khác cũng ghi nhận biến động mạnh:
-
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 21,7 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ.
-
Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận 307 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 19%.
-
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 578 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý I/2025, tổng giá trị chứng khoán đầu tư của Sacombank đạt gần 75.700 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ với quy mô khoảng 65.100 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng nắm giữ khoảng 15.972 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành. Sacombank đã trích lập dự phòng hơn 14.500 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này.