Tháng 4/2025 khép lại với những gam màu đầy đối lập. Trong khi VN-Index lao dốc 80,6 điểm, tương đương -6,16%, chạm đáy 1.226,3 điểm – thấp nhất từ đầu năm, thì thanh khoản thị trường lại bùng nổ.

Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HOSE đạt tới 21.344 tỷ đồng/ngày, tăng vọt 60,1% so với mức trung bình 5 tháng gần nhất và lập đỉnh cao nhất kể từ tháng 10/2023.

Trong bức tranh ấy, điều khiến giới đầu tư ngỡ ngàng hơn cả chính là dòng tiền cá nhân bất ngờ vươn lên vai trò chủ lực, mua ròng mạnh mẽ trong khi cả ba khối còn lại – tổ chức trong nước, tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài – lại đồng loạt bán ra trong thế “phòng thủ toàn diện”.

Tổ chức, tự doanh và khối ngoại: Đồng thuận rút lui khỏi cổ phiếu ngân hàng

Theo dữ liệu từ FiinTrade, tháng 4 là lần đầu tiên sau 8 tháng liên tiếp mua ròng mà khối tổ chức trong nước quay đầu bán ròng mạnh tay với tổng giá trị 5.295 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh đạt 4.530,3 tỷ đồng. Khối tự doanh cũng rút ròng tổng cộng 3.612,8 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh chiếm 2.075 tỷ đồng.

Đặc biệt, khối ngoại bán ròng quy mô lớn nhất từ đầu năm với tổng giá trị 13.413,4 tỷ đồng, riêng khớp lệnh đạt 10.021,5 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 1/2025.

Chứng khoán tháng 4/2025: Vì sao tự doanh và tổ chức ‘quay xe’ bán ròng, trong khi cá nhân lại đi ngược?
Giá trị mua/bán ròng theo nhóm nhà đầu tư trên HOSE – Tháng 4/2025. Nguồn: FiinTrade, tháng 4/2025.

Điểm chung nổi bật là cả ba nhóm này đều tập trung giảm mạnh tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng – lĩnh vực có vốn hóa lớn nhất thị trường và tác động trực tiếp đến chỉ số VN30. Các mã bị bán ròng trên diện rộng bao gồm ACB, BID, VCB, MBB, VPB, VIB, KBC và STB. Tự doanh còn đẩy mạnh thoái vốn tại những cổ phiếu tăng trưởng như FPT, CTG, PNJ, HPG, VNM và SSI. Trong khi đó, khối ngoại xả mạnh các mã FPT, MBB, STB, VCB, SSI, VPB, KBC và HCM – những cái tên từng là điểm sáng hút vốn ngoại quý I năm nay.

Chứng khoán tháng 4/2025: Vì sao tự doanh và tổ chức ‘quay xe’ bán ròng, trong khi cá nhân lại đi ngược?
Mua/bán ròng theo ngành và nhóm nhà đầu tư – So sánh tháng 4/2025 và tháng 3/2025. Nguồn: FiinTrade, dữ liệu khớp lệnh trên HOSE, đơn vị tính: tỷ đồng.

Ngược chiều bán ra, khối tổ chức trong nước chủ động cơ cấu danh mục sang các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan và có triển vọng phục hồi nội tại tốt như VIC, CTD, REE, VHM và VRE. Còn nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng một số mã thuộc nhóm bán lẻ, tài nguyên cơ bản và mid-cap có định giá thấp như HPG, MWG, VIC, BMP, VRE, VCI, VND và VCG.

Diễn biến đồng thuận “de-risk” này phần lớn bắt nguồn từ yếu tố vĩ mô quốc tế: thông tin Mỹ chính thức áp thuế 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam từ quý II khiến các dòng vốn lớn chủ động phòng thủ, giảm beta danh mục và tránh xa những nhóm cổ phiếu nhạy cảm với xuất khẩu.

Cá nhân "xuống tiền" kỷ lục: Tận dụng chiết khấu hay lo sợ lỡ sóng?

Giữa lúc dòng tiền lớn quay đầu, nhà đầu tư cá nhân lại trở thành lực đỡ chính của thị trường. Tổng giá trị mua ròng của khối này trong tháng 4 lên tới 22.321,2 tỷ đồng, riêng khớp lệnh chiếm 16.626,8 tỷ đồng – mức cao nhất trong 4 tháng đầu năm và bằng 53% tổng mua ròng cả năm 2024 chỉ trong quý đầu 2025.

Ngân hàng là nhóm được cá nhân gom hàng nhiều nhất với tổng giá trị mua ròng khớp lệnh lên tới 11.891 tỷ đồng, chiếm khoảng 72% lượng giải ngân toàn khối. Các mã hút tiền mạnh gồm ACB (+2.239 tỷ), FPT (+2.128 tỷ), MBB (+1.898 tỷ), VCB (+1.502 tỷ), SSI (+1.258 tỷ), tiếp theo là STB, TPB, VPB và VNM.

Chứng khoán tháng 4/2025: Vì sao tự doanh và tổ chức ‘quay xe’ bán ròng, trong khi cá nhân lại đi ngược?
Top 20 cổ phiếu mua/bán ròng nhiều nhất của nhà đầu tư cá nhân – Tháng 4/2025. Nguồn: FiinPro, dữ liệu khớp lệnh tích lũy theo nhóm nhà đầu tư, đơn vị tính: tỷ đồng.

Theo phân tích của FiinTrade, hành động “xuống tiền” quyết liệt này có cơ sở: nhiều mã ngân hàng đã chiết khấu sâu so với đỉnh đầu năm, trong khi kết quả kinh doanh quý I vẫn khá tích cực. Dòng tiền cá nhân phản ánh kỳ vọng rằng thị trường đang tạo đáy kỹ thuật và sẽ sớm hồi phục trở lại. Tuy vậy, không thể loại trừ yếu tố tâm lý FOMO – sợ lỡ nhịp tăng trở lại – có thể đang khiến cá nhân “vào hàng” ngay cả khi các rủi ro từ bên ngoài chưa hạ nhiệt.

Vấn đề là nếu ba khối còn lại vẫn tiếp tục đứng ngoài hoặc duy trì trạng thái phòng thủ, thì lực cầu từ cá nhân, dù lớn, cũng khó duy trì sức kéo bền vững. Khi đó, thị trường hoàn toàn có thể đối diện với các nhịp điều chỉnh “hụt hơi” nếu không có thêm dòng tiền hỗ trợ.

Dòng tiền phân tầng: VN30 là nơi trú ẩn, cổ phiếu nhỏ bị "lạnh lùng bỏ rơi"

Một trong những điểm nổi bật nhất tháng 4/2025 là sự phân hóa mạnh mẽ dòng tiền theo quy mô vốn hóa. Nhóm VN30 trở thành "bến đỗ an toàn", chiếm đến 55,3% tổng giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường – mức cao nhất kể từ tháng 1/2022. Giá trị giao dịch bình quân phiên nhóm này đạt 11.818 tỷ đồng, tăng 2.851 tỷ đồng so với tháng 3, tương đương mức tăng 31,9%.

Ngược lại, nhóm vốn hóa vừa VNMID chỉ nhích nhẹ 6% (tương đương +427 tỷ đồng), trong khi nhóm VNSML bị rút vốn -13% (-222 tỷ đồng), đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp. Dòng tiền rút khỏi các nhóm này chủ yếu do lo ngại rủi ro chính sách với các ngành nhạy cảm như thủy sản, dệt may, logistics và bất động sản khu công nghiệp – vốn chịu áp lực trực tiếp từ hàng rào thuế quan của Mỹ.

Xét theo ngành, tỷ trọng dòng tiền tăng mạnh nhất ở nhóm ngân hàng (từ 23,18% lên 26,27%), tiếp theo là thực phẩm, công nghệ thông tin và thiết bị điện. Ở chiều ngược lại, các ngành như dầu khí, hóa chất, chứng khoán, xây dựng và dệt may ghi nhận dòng tiền rút mạnh – phản ánh sự lựa chọn có chủ đích theo khẩu vị rủi ro và triển vọng nội tại.

Chứng khoán tháng 4/2025: Vì sao tự doanh và tổ chức ‘quay xe’ bán ròng, trong khi cá nhân lại đi ngược?
Tỷ trọng giao dịch theo ngành cấp 2 trên HOSE – Diễn biến đến tháng 4/2025. Nguồn: FiinTrade, dữ liệu tổng hợp theo tháng từ hệ thống giao dịch HOSE.

Về giá, chỉ số VN30 chỉ giảm -3,97%, thấp hơn mức giảm chung của VN-Index (-6,16%) – cho thấy các cổ phiếu trụ vẫn đóng vai trò nâng đỡ thị trường. Trong khi đó, VNMID và VNSML lần lượt giảm -9,11% và -7,27% – phản ánh mức độ nhạy cảm cao hơn trước biến động chính sách và dòng tiền.

Diễn biến thị trường tháng 4/2025 cho thấy không phải là một nhịp điều chỉnh kỹ thuật thông thường, mà là một cuộc “tái cấu trúc kỳ vọng” toàn diện. Tổ chức, tự doanh và khối ngoại đồng loạt chọn phòng thủ, giảm rủi ro danh mục. Ngược lại, cá nhân – đại diện cho dòng tiền nội linh hoạt – lại đẩy mạnh giải ngân, tạo thế cân bằng tạm thời cho thị trường.

FiinTrade nhận định: “Dù VN-Index giảm mạnh, nhưng dòng tiền nội vẫn rất khỏe, đặc biệt là từ cá nhân – cho thấy thị trường chưa gãy xu hướng, mà chỉ đang phân phối lại kỳ vọng”. Câu hỏi cho tháng tới là: khi môi trường vĩ mô dần ổn định trở lại, liệu dòng tiền tổ chức sẽ quay lại hỗ trợ đà hồi phục, hay cá nhân sẽ tiếp tục “đơn độc giữ nhịp” cho thị trường?