Theo chia sẻ trên báo VNExpress, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ – cho rằng Việt Nam nên sớm ban hành một chuẩn kỳ lân nội địa riêng, ở mức định giá từ 100 triệu USD trở lên, thấp hơn so với chuẩn quốc tế (1 tỷ USD) để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái startup trong nước. Mục tiêu là tạo đà cho nhóm doanh nghiệp tiềm năng có cơ hội vươn lên trở thành kỳ lân thực thụ trong tương lai.
Hiện nay, trên thế giới, doanh nghiệp được gọi là "kỳ lân" (unicorn) nếu có định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp đạt từ 100 triệu USD đến dưới 1 tỷ USD thường được gọi là soonicorn, tức các “ứng viên kỳ lân”. Việt Nam hiện có 4 unicorn theo chuẩn quốc tế: VNG, MoMo, VNLife và Sky Mavis – nhưng khoảng cách giữa các lần xuất hiện vẫn khá xa (6 năm mới có thêm một cái tên), cho thấy sự khan hiếm và khó khăn của quá trình phát triển.
Việc tạo ra một chuẩn riêng, thấp hơn, sẽ giúp nhóm soonicorn hiện tại tiếp cận chính sách hỗ trợ sớm, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt là khi thị trường vốn mạo hiểm toàn cầu đang sụt giảm mạnh. Theo báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Bộ Tài chính phối hợp cùng Do Ventures công bố năm 2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào startup Việt đã giảm từ mức đỉnh 1,4 tỷ USD năm 2021 xuống còn khoảng 523 triệu USD năm 2023.
Cũng theo ông Phạm Hồng Quất, nếu có cơ chế rõ ràng và chính sách hỗ trợ thiết thực, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển được khoảng 20–30 doanh nghiệp đạt mốc 100 triệu USD định giá vào năm 2030 – từ đó hình thành thêm 5–7 kỳ lân thực sự trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong những rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt khó đạt tới mốc tỷ USD là quy mô thị trường hạn chế, thiếu vốn đầu tư và thiếu mạng lưới cố vấn chiến lược.
Ngoài ra, chất lượng nhân lực chuyên gia chất lượng cao cũng là điểm nghẽn. Cục trưởng Phạm Hồng Quất nói những nhân lực này thường được đào tạo hoặc làm việc ở nước ngoài, bởi chương trình đào tạo trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp mang hoài bão lớn.
![]() |
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ tại một sự kiện, tháng 11/2024. Ảnh: Dương Tâm |
Trước đó, nói tại buổi họp báo công bố Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 hôm 30/6, ông Quất đề xuất Việt Nam học mô hình Singapore – nơi Chính phủ trích ngân sách để lập quỹ đối ứng cùng khối tư nhân đầu tư vào startup. Điều này không chỉ tạo ra thị trường vốn mạo hiểm trong nước mà còn giúp giữ chân và thu hút nhân tài Việt từ nước ngoài về khởi nghiệp.
"Niềm tin của doanh nghiệp rất quan trọng. Rất nhiều nhà đầu tư đã hỏi tôi cách tham gia vào thị trường Việt Nam", ông Quất nói. Theo ông, một thị trường mạo hiểm trong nước sẽ nuôi dưỡng và giữ chân nhân tài, thậm chí hút người tài Việt từ nước ngoài trở về. Từ đó, dòng vốn mạo hiểm nước ngoài sẽ theo chân nhân tài về Việt Nam.