Sáng 9/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau. Đây là một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các ngành hàng thuộc diện chịu thuế suất cao như rượu, bia, nước giải khát và thuốc lá.
Ngành bia trước áp lực thuế tăng, thị phần co và hành lang pháp lý siết
Trước đó, tại hội thảo tham vấn diễn ra ngày 18/3, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh thuế suất tiêu thụ đặc biệt. Theo ông, tiêu dùng và đầu tư là hai động lực trọng yếu của tăng trưởng kinh tế, trong khi việc tăng thuế một cách đột ngột có thể kéo giảm sức mua, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 192/2025/QH15 đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt tối thiểu 8% và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Do đó, các thay đổi chính sách cần đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu kiểm soát và động lực phát triển.
Với đặc thù nằm trong nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao, các doanh nghiệp trong ngành bia như Sabeco (SAB), Habeco (BHN), Heineken Việt Nam... sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các điều chỉnh sắp tới.
Theo nội dung được trình tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2024, Chính phủ đưa ra hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, trong đó phương án được ủng hộ nhiều hơn là tăng từ mức hiện tại 65% lên lần lượt 80%, 85%, 90%, 95% và 100% trong giai đoạn 2026–2030. Chính phủ cho rằng phương án này sẽ góp phần hạn chế tiêu dùng bia, đặc biệt các loại bia có nồng độ cồn cao, qua đó giảm thiểu tác hại sức khỏe và gánh nặng xã hội.
![]() |
Lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp ngành bia 5 năm qua gần như đi ngang |
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với tình hình tiêu thụ vốn đã chịu tác động từ Nghị định 100/2019 và Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm giao thông liên quan đến rượu, bia, việc tăng thuế sẽ càng siết chặt không gian phát triển của ngành đồ uống.
Sabeco, Habeco, Heineken: Không dễ giữ lợi nhuận và thị phần
Trong vài năm trở lại đây, lợi nhuận sau thuế của Sabeco gần như đi ngang quanh mức 4.000–5.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, Habeco liên tục ghi nhận đà suy giảm cả về doanh thu lẫn thị phần. Ngay cả Heineken – tên tuổi ngoại đầu ngành – cũng gặp khó khăn trong mùa vụ 2024, do ảnh hưởng tiêu cực từ cả tiêu dùng nội địa lẫn cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo Sabeco cho biết hiện doanh nghiệp vẫn được thông báo mức thuế tiêu thụ đặc biệt chưa thay đổi trong quý tiếp theo. Tuy nhiên, công ty đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo việc điều chỉnh thuế được thực hiện công bằng, phù hợp với năng lực chịu đựng của doanh nghiệp nội địa so với các đối thủ nước ngoài.
Có thể thấy, trong khi Quốc hội đang bước vào quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp ngành bia, rượu và nước giải khát đang đứng trước bài toán khó: Duy trì tăng trưởng, bảo vệ thị phần trong nước và đồng thời ứng phó với chính sách thuế ngày càng siết chặt. Với những gì đang diễn ra, ngành này có lẽ sẽ cần nhiều hơn những giải pháp trung – dài hạn thay vì chỉ trông đợi vào ưu đãi ngắn hạn về thuế.