Hòa chung diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, cổ phiếu SJS của CTCP SJ Group đã ghi nhận mức tăng trần 5 phiên liên tiếp, đưa thị giá lên mức 149.800 đồng/cp và chính thức vượt đỉnh lịch sử. Sự trở lại mạnh mẽ của SJS một lần nữa thu hút sự quan tâm của giới đầu tư đối với một thương hiệu từng là biểu tượng vàng son một thời của ngành bất động sản Việt Nam.

Từng là cổ phiếu bất động sản đắt giá bậc nhất sàn chứng khoán

Được thành lập năm 2001, CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (tiền thân của SJ Group) là thành viên thuộc Tổng Công ty Sông Đà, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ngay khi thành lập, SJ Group đã nhanh chóng ghi dấu ấn trên thị trường với vai trò chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Mỹ Đình - một trong những khu đô thị tiêu biểu đầu tiên của Hà Nội thời kỳ đầu thế kỷ 21.

Thành công bước đầu đã tạo bàn đạp cho SJ Group tham gia sâu hơn vào lĩnh vực phát triển đô thị. Trong những năm tiếp theo, công ty tiếp tục mở rộng quy mô với hàng loạt dự án lớn: Nam An Khánh (312ha), Văn Khê (12ha), Long Tân - Đồng Nai (65ha), Hòa Hải - Đà Nẵng (12ha), Tiến Xuân - Hòa Bình (1.115ha)...

Trong bối cảnh thị trường bất động sản bùng nổ, SJ Group nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản được kỳ vọng nhất. Năm 2006, cổ phiếu SJS chính thức niêm yết trên HoSE và ngay phiên đầu tiên đã gây sốc với mức giá đóng cửa 100.000 đồng/cp - mức hiếm thấy thời điểm đó. Đỉnh điểm là vào năm 2007, SJS từng leo lên mức 728.000 đồng/cp và lọt vào nhóm cổ phiếu đắt giá nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau cú bắt tay với Vingroup, bóng dáng ông lớn bất động sản một thời có trở lại?
Cổ phiếu SJS vượt đỉnh lịch sử

Cú trượt dài sau hào quang

Tuy nhiên, hào quang của SJS không kéo dài lâu. Dự án Nam An Khánh - “gà đẻ trứng vàng” của doanh nghiệp - vướng lùm xùm pháp lý liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng từ Tổng Công ty Sông Đà.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ xác định việc Tổng Công ty Sông Đà ký hợp đồng chuyển quyền đầu tư dự án Nam An Khánh cho SJS với giá trị 155 tỷ đồng kèm điều khoản hưởng 25% lợi nhuận sau thuế là trái quy định pháp luật. Vụ việc khiến cổ đông hoang mang, cổ phiếu SJS rơi tự do trên thị trường.

Không chỉ gặp rắc rối pháp lý, SJ Group còn chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thị trường bất động sản đóng băng, cùng với những mâu thuẫn nội bộ khiến doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng. Kết quả kinh doanh lao dốc, giai đoạn 2011 - 2012 ghi nhận lỗ lần lượt 79 tỷ đồng và hơn 304 tỷ đồng, cổ phiếu có thời điểm xuống dưới 10.000 đồng và bị tạm ngừng giao dịch.

Sau cú bắt tay với Vingroup, bóng dáng ông lớn bất động sản một thời có trở lại?
Nguồn: Tự tổng hợp

Nỗ lực tái sinh

Từ cuối năm 2013, SJS bắt đầu hành trình phục hồi khi thị trường bất động sản dần ổn định trở lại. Ban lãnh đạo công ty khi đó đã thực hiện hàng loạt biện pháp tái cơ cấu như giãn nợ, khởi động lại các dự án cũng như bán một phần quỹ đất để lấy dòng tiền hoạt động.

Trong năm 2014, SJ Group chuyển nhượng gần 9ha đất tại khu đô thị Nam An Khánh cho Techcom Developer, thu về khoảng 1.200 tỷ đồng; đồng thời bán một khu đất khác cho MB với giá hơn 200 tỷ đồng. Những thương vụ này giúp doanh nghiệp lần đầu tiên quay lại quỹ đạo có lãi từ sau khủng hoảng.

Đến tháng 6/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (khu B), tạo điều kiện cho Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) triển khai dự án Vinhomes Thăng Long. Sự nhập cuộc của Vingroup được kỳ vọng tạo cú hích cho thị trường khu vực, đồng thời vực dậy dự án Nam An Khánh sau nhiều năm chững lại.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, ban lãnh đạo SJ Group cho biết doanh nghiệp vẫn chưa thể mở bán vì các hạng mục tiện ích - gồm 5 khu công cộng và dịch vụ - chưa được cấp phép đầu tư.

Ông Đỗ Văn Bình, Chủ tịch HĐQT chia sẻ: “Do tiến độ hạ tầng tiện ích bị chậm nên giá bán khu này hiện thấp hơn khoảng 30% so với các dự án xung quanh. Nếu bán lúc này là bán lúa non, không mang lại giá trị tối ưu. Chúng tôi chọn thời điểm thuận lợi nhất để mang về giá trị cao nhất cho cổ đông".

Dù vậy, với kết quả kinh doanh tích cực trong những năm gần đây, SJS đang cho thấy dấu hiệu chuyển mình rõ nét sau giai đoạn dài trầm lắng. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên, ban lãnh đạo công ty bày tỏ kỳ vọng lớn vào dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt là khi tái khởi động dự án Nam An Khánh đã được đầu tư từ nhiều năm trước. Với lợi thế sở hữu quỹ đất và quỹ căn biệt thự từ thời điểm giá vốn còn rất thấp, SJS tin rằng khi các thủ tục pháp lý hoàn tất và thị trường thuận lợi, dự án này sẽ mang lại biên lợi nhuận lớn, đóng vai trò động lực tăng trưởng chính cho công ty trong giai đoạn tiếp theo.