Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM sẽ hợp nhất thành một địa phương mới, giữ tên TP.HCM. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM hiện nay.

Sau sáp nhập, TP.HCM càng củng cố vị thế “đầu tàu kinh tế” với quy mô GRDP vượt 2,7 triệu tỷ đồng – gần gấp đôi Hà Nội (khoảng 1,4 triệu tỷ đồng), tiếp tục dẫn đầu cả nước.

TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là ba điểm nóng kinh tế của khu vực phía Nam, nơi quy tụ nhiều hoạt động sản xuất - đầu tư quy mô lớn.

Dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, TP.HCM đã thu hút gần 59 tỷ USD tính đến năm 2024. Thành phố đang tập trung triển khai loạt đề án chiến lược như phát triển trung tâm tài chính, các khu công nghệ cao và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Sau sáp nhập, địa phương này có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, gần gấp đôi Hà Nội
GRDP theo giá hiện hành của TP.HCM năm 2024 đạt gần 1,78 triệu tỷ đồng - Ảnh: zingnews.vn

Bên cạnh đó, Bình Dương ghi nhận gần 43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài tính đến năm 2024. Tỉnh này trở thành điểm đến của nhiều dự án công nghệ cao, logistics, sản xuất công nghiệp và hạ tầng đô thị lớn, tiêu biểu như nhà máy LEGO, đường vành đai 4 TP.HCM, các khu công nghiệp cơ khí và công nghệ thông tin.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nổi lên với hàng loạt dự án quy mô lớn, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và công nghiệp hỗ trợ. Địa phương này đang thu hút mạnh dòng vốn vào các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, khí hóa lỏng, hóa dầu, cảng biển, khu công nghệ cao và du lịch.

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, yêu cầu đặt ra với TP.HCM là phát triển nhanh nhưng “chiếc áo” của thành phố đã hết sức chật chội. Nếu TP.HCM không được mở rộng, với dân số gần 10 triệu người, trong khi diện tích chỉ có hơn 2.000 km2 thì rất khó để có thể giải quyết được các điểm nghẽn về hạ tầng, nhà ở, phát triển công nghệ cao…

Cho nên nghiên cứu sắp xếp TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ giúp giải quyết được các vấn đề ách tắc trong không gian phát triển, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mà còn mở ra không gian phát triển đô thị, không gian biển, không gian du lịch...