Công ty môi giới BeeVN cùng liên danh 10 doanh nghiệp bảo hiểm lớn trong nước vừa ký kết hợp đồng bảo hiểm tài sản mọi rủi ro cho tổ hợp nhà máy VinFast tại Hải Phòng, giai đoạn 2025–2026.

Theo thỏa thuận, nhà máy VinFast – có quy mô đầu tư khoảng 3 tỷ USD – sẽ được bảo hiểm toàn diện trước các rủi ro không lường trước, không nằm trong danh mục loại trừ của hợp đồng bảo hiểm.

Đây là một trong những dự án công nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, được xây dựng trên khu đất rộng 335 ha tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng, với công suất giai đoạn 1 đạt 250.000 xe/năm. Nhà máy được đánh giá có mức độ tự động hóa cao với 1.200 robot, trong đó xưởng thân vỏ tự động tới 98%, xưởng động cơ đạt mức 90%.

Liên danh bảo hiểm bao gồm 10 doanh nghiệp lớn: PVI, Bảo Việt, DBV, VBI, PJICO, BIC, TechcomInsurance, BSH, GIC và PTI. Các chương trình bảo hiểm được thiết kế riêng theo đặc thù vận hành của VinFast, bao gồm bảo hiểm tài sản, thiết bị, nhà xưởng, hàng hóa và rủi ro công nghệ trong quá trình sản xuất.

Phát biểu tại lễ ký kết, đại diện các bên nhấn mạnh vai trò thiết yếu của việc xây dựng các cơ chế bảo vệ tài chính cho những doanh nghiệp đầu tàu trong nền kinh tế. Hợp đồng bảo hiểm quy mô lớn này không chỉ giúp quản trị rủi ro hiệu quả mà còn thể hiện sự hội nhập giữa các ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần củng cố năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo.

Siêu dự án 3 tỷ USD của VinFast được bảo vệ như thế nào?
Theo thỏa thuận, nhà máy VinFast – có quy mô đầu tư khoảng 3 tỷ USD – sẽ được bảo hiểm toàn diện trước các rủi ro không lường trước, không nằm trong danh mục loại trừ của hợp đồng bảo hiểm.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh với mức GDP ước đạt 8% trong năm 2025. Sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm, đặc biệt trong lĩnh vực phi nhân thọ.

Cũng theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành ước đạt 74.889 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng ấn tượng 11%. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chi trả quyền lợi ước tính 24.758 tỷ đồng, tăng 9,34%.

Tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế từ khối bảo hiểm đạt 874.664 tỷ đồng, chủ yếu thông qua trái phiếu chính phủ và tiền gửi, tăng 9,24%. Tổng tài sản toàn ngành đạt 1.032.213 tỷ đồng (tăng 8,79%), vốn chủ sở hữu 211.928 tỷ đồng (tăng 4,14%), và dự phòng nghiệp vụ đạt 695.202 tỷ đồng (tăng 13,82%).