Theo Bloomberg, việc giá cổ phiếu Tesla lao dốc xuống mức thấp nhất trong hai năm đã khiến tỷ phú giàu nhất thế giới hiện tại chứng kiến giá trị khối tài sản ròng mất hơn 100 tỷ USD trong năm 2022.

Dù chứng kiến khối tài sản giảm mạnh nhưng trên thực tế, người đồng sáng lập Tesla và cũng là chủ sở hữu mới của công truyền thông mạng xã hội Twitter vẫn là người giàu nhất thế giới hiện tại khi sở hữu khối tài sản ròng trị giá 170 tỷ USD, nhiều hơn 13 tỷ USD so người đứng thứ hai là ông trùm đế chế xa xỉ LVMH Bernard Arnault.

Mặc dù vậy, tỷ phú người Nam Phi đã trở thành cái tên mất nhiều tiền nhất thế giới, tính đến ngày 22/11, khi chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm 101 tỷ USD, nhiều hơn so với bất kỳ cái tên nào trong danh sách 500 tỷ phú hàng đầu thế giới được Bloomberg Billionaires Index theo dõi.

Giá cổ phiếu của gã khổng lồ ngành xe điện Tesla chiếm phần lớn trong khối tài sản ròng khổng lồ của Elon Musk. Việc Tesla đang phải vật lộn với những khó khăn liên quan đến các chính sách phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ, đã khiến giá cổ phiếu Tesla bị ảnh hưởng đáng kể.

Ngoài ra, Tesla cũng gặp phải một số vấn đề khác. Chẳng hạn, công ty xe điện lớn nhất thế giới có trụ sở tại Austin, Texas gần đây đã thông báo thu hồi hơn 300.000 xe do lỗi đèn hậu, đồng thời cũng phải giải quyết những khó khăn trong chuỗi cung ứng và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

Mới đây nhất, vụ việc xe Tesla đâm chết người trên sắp được đưa ra xét xử tại Hàn Quốc cũng một lần nữa dấy lên câu hỏi lớn về tính an toàn của Tesla trong bối cảnh hãng này đang đối mặt với một loạt vụ kiện và bị các cơ quan quản lý siết chặt giám sát.

Giá cổ phiếu Tesla đã giảm 6,8% xuống còn 167,87 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán New York vào ngày 21/11, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu của gã khổng lồ xe điện Tesla cũng đã giảm 52%. Mức giảm này lớn nhiều so với mức giảm 29% của chỉ số Nasdaq 100 thiên về cổ phiếu công nghệ.

Trong báo cáo thu nhập hàng quý được công bố hôm 19/10, doanh thu Tesla chỉ ở dưới mức kỳ vọng của giới phân tích, đạt 21,45 tỷ USD, thấp hơn ước tính 21,96 tỷ USD của các chuyên gia kinh tế.

Nguyên nhân một phần đến từ tình trạng lạm phát dai dẳng sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed): mạnh tay tăng lãi suất. Điều này bào mòn sức hút của các tài sản rủi ro, trong đó có những cổ phiếu tăng trưởng mạnh. Trước đó, nhiều cổ phiếu công nghệ đã đi lên thần tốc trong thời kỳ đại dịch, khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế chống chịu với dịch bệnh.

Tỷ phú Elon Musk, 51 tuổi, cũng đang dành sự quan tâm của mình đối với Twitter, mạng truyền thông xã hội mà ông đã mua lại vào tháng trước thông qua gói thầu trị giá 44 tỷ USD.

Công ty đã mất khoảng 60% lực lượng lao động kể từ khi Elon Musk tiếp quản, với đợt sa thải mới nhất diễn ra vào ngày 20/11. Các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi liệu tỷ phú người Nam Phi có đang dàn trải quá nhiều cho các dự án kinh doanh nổi tiếng khác nhau của mình mà bỏ quên sự tập trung cho Tesla hay không.

Sự phụ thuộc của Tesla vào Elon Musk được liệt kê là một số những yếu tố rủi ro trong hồ sơ bảo mật của hãng, nhấn mạnh rằng “mặc dù Elon Musk dành thời gian đáng kể cho Tesla và rất tích cực trong công việc quản lý của công ty, nhưng ông ấy không dành toàn bộ thời gian và sự quan tâm của mình cho Tesla”.

Những tỷ phú mất nhiều tiền nhất kể trong năm 2022

Trước đó, vào ngày 8/11, khi giá cổ phiếu Tesla chạm mức thấp nhất trong 52 tuần vào phiên giao dịch sáng sớm, giá trị khối tài sản ròng của Elon Musk đã giảm xuống còn khoảng 195,6 tỷ USD vào lúc 10 giờ sáng, theo giờ Mỹ.

Đây là lần thứ hai kể từ ngày 1/10/2021, giá trị khối tài sản ròng của Elon Musk xuống dước mức 200 tỷ USD. Ngày 24/5, giá trị khối tài sản ròng của CEO Tesla đã giảm xuống còn 199 tỷ USD nhưng nhanh chóng tăng lên hơn 200 tỷ USD sau đó.

Thời điểm đó, Elon Musk vẫn đang là người giàu nhất thế giới, nhưng giá trị khối tài sản ròng của ông đã giảm khoảng 120 tỷ USD so với mức đỉnh mà ông từng đạt được vào ngày 4/11/2021, thời điểm giá cổ phiếu Tesla đạt mức cao nhất sau khi gã khổng lồ ngành cho thuê xe Hertz công bố một đơn đặt hàng lớn với Tesla.

Giá trị khối tài sản ròng của Musk khi đó cũng thấp hơn khoảng 74 tỷ USD so với thời điểm ngày 13/4, một ngày trước khi tỷ phú người Nam Phi công khai giá thầu 44 tỷ USD mua lại công ty mạng xã hội Twitter.

Trước khi Elon Musk trở thành tỷ phú mất nhiều tiền nhất năm 2022, người nắm giữ vị trí “không mong muốn” này là Mark Zuckerberg, CEO Meta (công ty mẹ Facebook). Tính đến ngày 22/11, tỷ phú người Mỹ đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của mình giảm 83,5 tỷ USD so với đầu năm, xuống chỉ còn 42 tỷ USD.

Những tỷ phú mất nhiều tiền nhất kể từ đầu năm còn lại trong top 5 lần lượt là CEO Binance Changpeng Zhao (giảm 81,9 tỷ USD), cựu CEO Amazon Jeff Bezos (giảm 76,7 tỷ USD) và nhà đồng sáng lập Google Larry Page (giảm 39,7 tỷ USD).

Cuối tháng 9/2021, khi giá cổ phiếu Tesla tăng vọt, tỷ phú người Nam Phi Elon Musk đã vượt qua cựu CEO Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới. Thời điểm đó, ông cũng trở thành người thứ ba, sau chính Jeff Bezos và ông chủ đế chế xa xỉ LVMH Bernard Arnault, sở hữu khối tài sản ròng trị giá từ 200 tỷ USD trở lên.