Nền tảng tài chính vững chắc
Bước ra khỏi năm 2024, VIB cho thấy một bộ mặt tài chính đủ độ chín để bứt phá. Tổng tài sản đạt 493.158 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ, trong khi dư nợ tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng bùng nổ 21,5%, vượt xa tốc độ 15,1% của toàn ngành. Sự dịch chuyển trong cơ cấu tín dụng cũng đáng chú ý khi tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân giảm xuống 80%, nhường chỗ cho tăng trưởng mạnh mẽ từ khối khách hàng doanh nghiệp với mức tăng ấn tượng 67,1%. Lĩnh vực cho vay mua nhà duy trì vai trò chủ lực nhưng đã linh hoạt giảm tỷ trọng từ 52% còn 49%, trong khi mảng thẻ tín dụng và tiêu dùng cá nhân vươn lên nắm giữ 18% tổng danh mục.
![]() |
Kết quả kinh doanh của VIB quý IV/2024 và cả năm 2024. Nguồn: VIB, ABS Research. |
Tuy vậy, VIB cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ khi tổng thu nhập hoạt động năm 2024 đạt 20.509 tỷ đồng, giảm 7,2% svck, chủ yếu do thu nhập lãi thuần sụt giảm 9,4%. Biên lãi thuần (NIM) rơi từ 5,0% xuống 3,7%, phản ánh xu hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh khó khăn kinh tế. Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng nhẹ 3,9%, đạt 3.818 tỷ đồng, nhờ nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu.
![]() |
Diễn biến tổng thu nhập hoạt động, lợi nhuận trước thuế và biên lãi thuần (NIM) của VIB giai đoạn 2018–2024. Nguồn: VIB, ABS Research. |
Chi phí hoạt động gia tăng 9,1% svck, đẩy tỷ lệ CIR từ 29,8% lên 35,1%, song lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 9.004 tỷ đồng. Các chỉ số an toàn như hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 11,9%, hệ số cho vay trên huy động (LDR thuần) ở mức 108,4%, và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn duy trì ở 22%, đều nằm trong giới hạn an toàn, giúp VIB có vị thế vững chắc để tiến xa hơn.
![]() |
Diễn biến tỷ lệ CIR và ROE của VIB giai đoạn 2018–2024. Nguồn: VIB, ABS Research. |
Chất lượng tài sản và bài toán tăng vốn
Điểm đáng lưu ý nằm ở chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) cuối năm 2024 tăng nhẹ lên 3,51% do ảnh hưởng từ việc phân loại lại nợ sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Dù nợ nhóm 2 giảm mạnh 27,6%, từ 6,1% xuống 3,6%, nhưng nợ nhóm 5 lại tăng 191%, phản ánh áp lực trích lập dự phòng trong ngắn hạn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm nhẹ từ 51,0% xuống còn 50,1%, cho thấy VIB vẫn còn dư địa cần cải thiện.
Để đón đầu giai đoạn tăng trưởng mạnh sắp tới, VIB đã chủ động lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 29.791 tỷ đồng lên 34.040 tỷ đồng thông qua phát hành 417,07 triệu cổ phiếu thưởng và 7,8 triệu cổ phiếu ESOP. Nguồn vốn mới sẽ được sử dụng linh hoạt cho cấp tín dụng, đầu tư công nghệ, mở rộng sản phẩm – dịch vụ và đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2025, VIB kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng vọt lên 11.020 tỷ đồng (+22% svck), tổng tài sản đạt 600.350 tỷ đồng (+22%) và tổng huy động vốn đạt 377.300 tỷ đồng (+26%). Cùng với đó, EPS dự kiến đạt 2.739 đồng/cổ phiếu, P/E chỉ ở mức 6,4 lần và ROE khoảng 15,7%, hứa hẹn mức sinh lời hấp dẫn đối với giới đầu tư.
Cơ hội chọn lọc cổ đông chiến lược
Sau khi CBA rút lui, VIB đang ráo riết tìm kiếm đối tác chiến lược mới, với mục tiêu tìm được những “cái tên” thực sự mạnh về tài chính, dày dạn kinh nghiệm quốc tế và có tầm nhìn phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, VIB “đã và đang đi tìm một số đối tác thích hợp đảm bảo phù hợp về mặt tài chính cũng như cộng hưởng được sức mạnh của đối tác vào hoạt động của ngân hàng”.
Việc rộng cửa đón nhận dòng vốn ngoại không chỉ giúp tăng vốn chủ sở hữu mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là mở rộng nền tảng CASA vốn đang được VIB chú trọng. Hiện tại, tỷ lệ CASA của VIB cuối năm 2024 chỉ ở mức 14,1%, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình ngành 21,7%. Với sản phẩm Tài khoản Siêu Lợi Suất có lãi suất lên tới 4,3%/năm cho phần số dư lớn, VIB kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể tỷ trọng CASA, giảm chi phí vốn và cải thiện biên lợi nhuận.
Sự thay đổi cổ đông chiến lược lần này không chỉ đơn thuần là thay đổi vốn, mà còn mở ra cơ hội “lột xác” cho VIB, hướng đến xây dựng một mô hình ngân hàng bán lẻ linh hoạt, số hóa sâu rộng, đủ sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Nếu chọn đúng đối tác, VIB hoàn toàn có thể biến thời điểm hiện tại thành bước ngoặt lịch sử, đưa ngân hàng tiến vào chu kỳ tăng trưởng đột phá trong thập kỷ tới.