Ngày 10/5, ông Trần Văn Mẫn - Trưởng Ban Quản lý Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết đơn vị đã hoàn tất hồ sơ đề xuất gửi các sở, ngành liên quan về việc đầu tư tuyến nhánh đường sắt quốc gia Trì Bình - cảng Dung Quất.

Theo đề xuất, tuyến có chiều dài 14,3km, khổ đường sắt 1.000mm, điểm đầu tại ga Trì Bình (nằm trên tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP. HCM), điểm cuối tại ga cảng Dung Quất. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 900 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách Trung ương.

Tạo nhánh rẽ, nối đường sắt Bắc - Nam với 'thủ phủ công nghiệp miền Trung' - nơi đặt đại bản doanh của Hòa Phát và BSR
Khu kinh tế Dung Quất được xem là thủ phủ công nghiệp miền Trung với 350 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 396.800 tỷ đồng, trong đó có 66 dự án FDI, tính đến cuối năm 2024

Ban Quản lý nhấn mạnh vai trò chiến lược của Dung Quất, không chỉ với Quảng Ngãi mà còn với khu vực miền Trung và cả nước, khi nơi đây tập trung nhiều dự án công nghiệp trọng điểm như nhà máy lọc dầu Dung Quất (của BSR), khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina... cùng các cụm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và nguyên liệu giấy.

Lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Dung Quất mỗi năm lên tới hàng chục triệu tấn, với lợi thế cảng nước sâu, kết hợp cảng tổng hợp và các bến chuyên dùng phục vụ các ngành như luyện kim, hóa dầu, cơ khí và đóng tàu siêu trọng. Tuy nhiên, hạ tầng đường bộ tại khu vực đã quá tải, xuống cấp, gây ra nhiều hệ lụy và cản trở quá trình phát triển.

Dù nằm gần tuyến đường sắt Bắc - Nam, Dung Quất đến nay vẫn chưa được đầu tư tuyến kết nối. Việc thiếu hạ tầng đường sắt làm tăng chi phí logistics, hạn chế khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư. Do đó, tuyến nhánh Trì Bình - Dung Quất được kỳ vọng sẽ giải bài toán hạ tầng cho khu kinh tế trọng điểm này.

Dự án tuyến nhánh đã được cập nhật vào 3 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Dung Quất và được hoạch định trong nhiều chiến lược lớn như: Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030; và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045.

Dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu hàng hóa thông qua Dung Quất sẽ đạt gần 39 triệu tấn/năm, trong đó vận tải bằng đường sắt chiếm khoảng 3 triệu tấn, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển loại hình vận tải này. Ngoài ra, nhu cầu đi lại ổn định, giá rẻ của hàng chục nghìn lao động tại các tổ hợp công nghiệp cũng ngày càng tăng cao, tạo thêm áp lực lên hạ tầng hiện hữu.

Tuyến nhánh đường sắt khi hình thành sẽ kết nối trực tiếp với các đầu mối hàng hóa lớn tại Dung Quất và hệ thống cảng biển, tăng hiệu quả khai thác logistics, giảm tải cho hạ tầng đường bộ, tối ưu chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó cũng góp phần thúc đẩy vận tải hàng hóa ven biển, đa dạng hóa phương thức vận chuyển hành khách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, khu vực duyên hải miền Trung và cả nước.