Sáng 9/7, phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 với chủ đề “Việt Nam mới: Tầm nhìn kiến tạo giá trị”, ông Danny Le - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, tăng trưởng không đến từ mở rộng đơn thuần mà từ sự đổi mới sâu sắc về công nghệ. “Trước đây, thu hút một khách hàng có thể mất 6 tháng đến 1 năm. Nhưng nếu biết tận dụng công nghệ, nhất là AI để phân tích hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp có thể rút ngắn đáng kể thời gian này", Tổng Giám đốc MSN nói.
Một trong những trọng tâm của Masan hiện tại là triển khai mô hình ngân hàng đại lý thông qua hợp tác chiến lược với Techcombank. Không chỉ mang lại trải nghiệm tài chính hiện đại tại điểm bán, mô hình này còn giúp tích hợp dữ liệu, gia tăng sự gắn kết giữa tiêu dùng và dịch vụ tài chính.
“Trong 5 năm tới, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một mô hình số hóa tích hợp giữa Masan và Techcombank. Khi đó, người tiêu dùng không chỉ đến cửa hàng mua sắm mà còn được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, tài chính ngay tại điểm bán – nhanh chóng, thuận tiện và cá nhân hóa”, ông Danny Le chia sẻ.
![]() |
Ông Danny Le – Tổng Giám đốc MSN. Ảnh minh hoạ. |
Masan cũng đang đặt ra mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất từ 15–20%. Để đạt được điều này, tập đoàn không đơn thuần cắt giảm quy mô hay giảm chất lượng mà lựa chọn đầu tư mạnh vào hạ tầng số, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), và dữ liệu lớn (Big Data). Mục tiêu là xây dựng một chuỗi cung ứng đầu – cuối hiện đại, tối ưu hóa từ vận hành tới trải nghiệm khách hàng.
“Cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và đầu tư vào tài sản số là điều sống còn. Khi mọi dịch vụ được đưa lên nền tảng số, khả năng cá nhân hóa, tương tác và tiết kiệm chi phí sẽ đạt đến tầm cao mới”, Tổng Giám đốc Masan khẳng định.
Song song với tối ưu chi phí, Masan cũng đang mở rộng mạng lưới cửa hàng quy mô nhỏ – chiến lược được cho là phù hợp với bối cảnh tiêu dùng linh hoạt, đa dạng. Mô hình này giúp tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, đảm bảo tốc độ phủ sóng nhanh và giữ được lợi thế về giá thành.
Ông Danny Le đánh giá, tệp người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn về trải nghiệm cá nhân hóa, công nghệ, tốc độ và tính linh hoạt. Đó là lý do vì sao Masan thúc đẩy mạnh mẽ mô hình bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa cửa hàng truyền thống với các nền tảng online.
“Điều quan trọng là phải có mô hình tương tác đa điểm. Người tiêu dùng không chỉ mua hàng mà còn muốn tương tác, so sánh, đánh giá và nhận được giá trị cộng thêm từ dịch vụ. Tất cả điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta đổi mới sáng tạo và đầu tư đúng hướng vào công nghệ”, ông nói.
Từ góc nhìn vĩ mô, ông Danny Le tin rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn trong việc thu hút dòng vốn toàn cầu nhờ nền kinh tế ổn định, lực lượng lao động trẻ và năng động, cũng như khả năng tiếp cận công nghệ nhanh.
“Việt Nam có nhân lực, có khát vọng và đang trên đà tăng trưởng mạnh. Đây là thời điểm tốt để thu hút dòng vốn mới”, ông nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rào cản lớn nhất: Chi phí vốn, giá thành công nghệ và lãi suất hiện vẫn còn cao, đặc biệt với các doanh nghiệp truyền thống đang chật vật trong quá trình chuyển đổi số.
“Liệu các công ty truyền thống đã thực sự sẵn sàng bước vào thị trường công nghệ? Chúng ta không thể tránh khỏi quá trình số hóa, nhưng để triển khai thành công thì cần một môi trường tài chính thuận lợi hơn, đặc biệt là chi phí vốn và giá công nghệ phải giảm để mở rộng khả năng tiếp cận”, ông Danny Le đặt vấn đề.