HPG - 4 quý tăng trưởng liên tiếp: CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HoSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 với doanh thu gần 119.000 tỷ đồng - giảm 16% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.800 tỷ đồng - giảm 1.644 tỷ so với năm 2022. Kết quả này có mức đóng góp gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trong quý IV.

Năm 2023 là giai đoạn phục hồi của ngành thép sau biến cố kinh doanh thua lỗ trong nửa cuối năm. Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu báo lãi trăm tỷ trong quý I và liên tục tăng lãi trong các quý sau đó.

Thêm 5 doanh nghiệp thép công bố kết quả kinh doanh năm 2023: HPG, NKG, TVN, SMC, POM
Kết quả kinh doanh của HPG 4 quý gần đây (Đvt: nghìn đồng)

Dấu ấn trên báo cáo tài chính tại thời điểm cuối năm 2023 của HPG là gần 40.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối - chiếm 21,6% tổng nguồn vốn. Tập đoàn ghi nhận nợ phải trả tăng hơn 10.700 tỷ đồng so với đầu năm, đạt mức 85.000 tỷ (bao gồm 65.400 tỷ đồng vay nợ tài chính).

Danh mục hàng tồn kho đi ngang so với thời điểm đầu năm (còn 34.500 tỷ đồng) song trích lập dự phòng đã giảm 90% còn 124 tỷ đồng.

Như thường lệ, Hòa Phát vẫn duy trì vị thế Top đầu về lượng tiền mặt/tương đương tiền và tiền gửi trên sàn chứng khoán với hơn 34.400 tỷ đồng.

TVN - báo lỗ năm thứ 2 liên tiếp: Tổng CTCP Thép Việt Nam - VNSteel (Mã TVN - UPCoM) ghi nhận doanh thu năm 2023 giảm 19% YoY còn 31.152 tỷ đồng. Việc giảm mạnh giá vốn bán hàng khiến lợi nhuận gộp tăng lên 982 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khoản doanh thu tài chính 492 tỷ đồng không đủ giúp công ty trang trải gánh nặng chi phí hoạt động (hơn 1.300 tỷ đồng) và khoản lỗ công ty liên doanh liên kết (625 tỷ đồng). Sau cùng, TVN báo lỗ sau thuế 464,6 tỷ đồng năm 2023 - giảm 39,4% YoY. Công ty cũng thực hiện bất thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Thêm 5 doanh nghiệp thép công bố kết quả kinh doanh năm 2023: HPG, NKG, TVN, SMC, POM
Kế hoạch kinh doanh 4 năm gần nhất của VNSteel

Chỉ tính riêng quý IV, Thép Việt Nam báo lỗ ròng gần 30 tỷ - cải thiện so với khoản lỗ 353,3 tỷ cùng kỳ năm 2022. Điều tích cực là mức lỗ trong 3 quý gần nhất đã liên tục giảm dần.

Thời điểm 31/12/2023, nợ phải trả của TVN tăng vượt mốc 14.000 tỷ đồng - gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong số này, dư nợ vay tài chính gần 7.800 tỷ đồng với 6.077 tỷ là vay ngắn hạn. Lượng thép tồn kho giảm gần 700 tỷ so với đầu năm, còn hơn 4.000 tỷ đồng trong đó trích lập dự phòng giảm còn 64,5 tỷ.

Công ty hiện cũng đang sở hữu hơn 3.300 tỷ đồng tiền mặt/tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn.

NKG - thoát lỗ: CTCP Thép Nam Kim (Mã NKG - HoSE) có năm hồi phục khả quan với lợi nhuận sau thuế chuyển dương 117,4 tỷ đồng (năm 2022 báo lỗ 124,7 tỷ). Cùng thời điểm, công ty đạt doanh thu gần 18.600 tỷ đồng - giảm 4.500 tỷ YoY.

Dù không thể hoàn thành kế hoạch 20.000 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ lãi sau thuế đã đề ra, tuy nhiên đây vẫn là mức lãi ấn tượng so với mặt bằng chung ngành thép.

Quý IV, Thép Nam Kim báo doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 4.460 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 22,4 tỷ - tích cực so với khoản lỗ 414 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Đây cũng là quý lãi thứ 3 liên tiếp của ông lớn ngành thép.

Thêm 5 doanh nghiệp thép công bố kết quả kinh doanh năm 2023: HPG, NKG, TVN, SMC, POM
Kết quả kinh doanh 4 năm gần nhất của NKG

Trong nhóm doanh nghiệp thép đầu ngành, NKG là doanh nghiệp chịu ít áp lực nợ vay nhất với 4.767 tỷ đồng (chiếm 70% tồn nợ phải trả). Công ty đang ghi nhận hơn 5.700 tỷ đồng giá trị tồn kho, trích lập dự phòng giảm hơn 200 tỷ so với đầu năm còn 130 tỷ đồng.

Công ty cũng có của để dành là hơn 1.050 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn.

POM - lỗ quý thứ 7 liên tiếp: CTCP Thép Pomina (Mã POM - HoSE) báo lỗ sau thuế quý thứ 7 liên tiếp. Mức lỗ quý cuối năm 2023 giảm 32% YoY còn 314 tỷ đồng. Kỳ này, doanh thu của Pomina thậm chí giảm gần 82% về mức 333 tỷ.

Điều đáng mừng là công ty đã khắc phục được tình trạng kinh doanh dưới giá vốn của quý IV/2022. Tuy nhiên, áp lực chi phí hoạt động (trong đó chi phí lãi vay tăng 50% lên mức 215 tỷ đồng) khiến công ty rơi vào trạng thái thu không đủ bù chi.

Lũy kế năm 2023, POM lỗ sau thuế 961 tỷ đồng trong khi năm 2022 lỗ 1.168 tỷ. Câu chuyện kinh doanh gặp khó, kế hoạch khởi động lại lò cao bị "delay" làm phát sinh chi phí bảo dưỡng, kéo doanh thu giảm gần 75% YoY còn 3.281 tỷ đồng.

Tới cuối năm, Pomina chỉ còn vỏn vẹn hơn 10 tỷ đồng tiền mặt. Hàng tồn kho còn 662 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ vay tài chính vẫn ở mức "khổng lồ" với 6.300 tỷ - gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu.

SMC - lỗ năm tăng mạnh: CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã SMC - HoSE) kết thúc năm 2023 đáng quên với việc ghi nhận doanh thu giảm 41% còn gần 13.800 tỷ đồng. Gánh nặng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp khiến công ty lỗ sau thuế thêm 919 tỷ đồng - tăng gần 50% so với năm trước đó. Đây cũng là ông lớn duy nhất của ngành thép báo lỗ gia tăng.

Quý cuối năm 2023, SMC lỗ sau thuế 333 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 3 liên tiếp và là quý lỗ thứ 5/6 quý gần nhất của công ty.

Với kết quả kinh doanh đáng thất vọng, công ty chính thức chuyển trạng thái sang lỗ lũy kế 163 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Vốn chủ sở hữu giảm hơn 50% còn 803 tỷ đồng (tương đương 26,7% nợ vay tài chính).