Trong tháng 3/2024, mặc dù VN-Index tăng hơn 31 điểm (+2,5%) vượt mốc 1.280 lên vùng giá cao nhất gần 2 năm song động thái bán ròng của khối ngoại trở thành điểm trừ của thị trường.

Tính riêng trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 11.284 tỷ đồng - cao hơn mức gần 10.000 tỷ đồng ghi nhận hồi tháng 12/2023 qua đó trở thành tháng có mức bán ròng cao kỷ lục của khối ngoại trong lịch sử hoạt động của thị trường.

Tính chung 3 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 13.872 tỷ đồng trên HoSE, tương đương một nửa giá trị bán ròng trong cả năm 2023.

Thị trường chứng khoán biến động ra sao trong các tháng 4?
Hình minh họa

Bước sang tháng 4, thị trường chứng khoán bước vào mùa báo cáo tài chính quý I/2024. Nhà đầu tư đang kỳ vọng xu hướng tích cực của thị trường nối tiếp. Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi đưa ra dự báo, thị trường có thể duy trì đà tăng song VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh khi tiến vào vùng 1.300 - 1.330 điểm.

TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DGCapital - cho rằng, xu hướng tăng điểm theo dạng bò dần lên vẫn là chủ đạo trong ngắn hạn và dự báo sẽ kéo dài trong tháng 4. Tuy nhiên, động lực chung của thị trường đang yếu đi.

Theo vị chuyên gia, thị trường có thể sẽ xuất hiện vài nhịp điều chỉnh ngắn song xu hướng tích cực của thị trường vẫn duy trì và có thể kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ vượt mốc 1.300 trong tháng.

Về thanh khoản của thị trường, theo phân tích của TS Nguyễn Duy Phương, yếu tố lãi suất tiết kiệm thấp trong khi bối cảnh kinh doanh sản xuất thương mại vẫn còn khó khăn dẫn đến dòng tiền chảy vào các kênh chứng khoán để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Xu hướng này có thể tiếp tục trong thời gian tới và dòng tiền trong nước sẽ chảy vào thị trường chứng khoán trong nước ngày càng nhiều hơn với mức tăng từ 20 - 30% so với cuối năm.

Một số nhóm ngành có thể tham khảo như ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ, bất động sản công nghiệp, xuất khẩu… kỳ vọng dẫn dắt dòng tiền cũng như duy trì được các cơ hội đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, thị trường có thể đi lên trong tháng 4 nhưng mức độ không được như tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường rơi vào vùng trũng thông tin, nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào ĐHCĐ, để đánh giá kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024. Đây là thời điểm thị trường xảy ra sự phân hóa rõ nét, dòng tiền thường chọn giải pháp đứng ngoài quan sát.

Ngoài ra, các rủi ro trong ngắn hạn khác như áp lực lạm phát có dấu hiệu nhích tăng nhẹ trở lại, tỷ giá đang neo ở mức cao, chỉ số USD (DXY) vẫn trong xu hướng tăng sẽ là yếu tố khiến cho thị trường gặp khó trong tháng 4.

Nhìn lại lịch sử thị trường, VN-Index có 13 lần tăng điểm trong các tháng 4, mức tăng mạnh nhất được ghi nhận là 19,22% trong năm 2001. Ngược lại, chỉ số giảm 10 lần, mức giảm lớn nhất là 13,76% năm 2007. Hai năm gần nhất, thị trường chứng khoán lần lượt giảm 8,4% và 1,4%.

Tháng 4 năm ngoái, VN-Index giảm từ 1.064 điểm về 1.049 điểm. Sau tháng này, thị trường bắt đầu mạch tăng hơn 200 điểm lên gần mốc 1.250 hồi giữa tháng 8.