Đến thời điểm hiện tại, một số công ty trong ngành bất động sản Việt Nam đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với nhiều biến động. Nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản gặp yếu tố bất lợi, đặc biệt là việc các ngân hàng siết tín dụng địa ốc đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, các dự án rơi vào đình trệ. Tuy vậy, trong số các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 cho thấy đa số đều có lãi, chỉ có một số ít doanh nghiệp phải chịu lỗ.

Vị trí đầu bảng đổi chủ

Trong quý II năm nay, có hai doanh nghiệp báo lợi nhuận đạt trên nghìn tỷ là Tổng Công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC)Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC). Cụ thể, hai công ty này đã báo lãi ròng lần lượt đạt 1.467 tỷ đồng và 1.934 tỷ đồng - gấp 6 lần và 24 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Toàn bộ doanh thu quý này của IDC đến từ hoạt động cho thuê bất động sản KCN. Trong khi đó, lợi nhuận chính của KBC lại đến từ khoản thu nhập khác lên tới gần 1.913 tỷ đồng. Theo doanh nghiệp, đây là “chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng”. Với kết quả này, KBC đã trở thành quán quân lợi nhuận quý II của nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Quý II năm nay, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) ghi nhận 4.530 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm 84%; trong khi lãi trước thuế 1.257 tỷ đồng, đạt chưa tới 1/10 so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm tương ứng về mức 622 tỷ đồng. Theo đó, đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất của VHM trong 5 năm qua.

6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của VHM đồng loạt lao dốc mạnh khi chỉ đạt 13.453 tỷ đồng và 5.347 tỷ đồng - cùng giảm 67% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này được phía VHM giải trình là do một số phân khu thuộc các dự án lớn như Vinhomes Ocean Park 1, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park chưa tới thời điểm bàn giao nhà cho khách hàng nên công ty chưa được chuyển phần doanh số này vào doanh thu hoạt động trong kỳ.

Một ông lớn khác là Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) báo doanh thu quý II tăng 45% lên 4.268 tỷ đồng, trong khi lãi ròng đạt 641 tỷ đồng - tăng 91% so với cùng kỳ.

Bán niên 2022, VGC ghi nhận doanh thu đạt hơn 8.100 tỷ đồng, tăng 53%; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 1.740 tỷ đồng và gần 1.343 tỷ đồng - gấp hơn 2 lần so với hồi đầu năm.

Phía doanh nghiệp cho biết trong quý này mảng bất động sản KCN tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng lợi nhuận của công ty. Ngoài ra lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng tăng trưởng nhanh chóng và đóng góp đáng kể, trong đó doanh thu bán các sản phẩm kính gương ghi nhận gần 1.515 tỷ đồng - gấp hơn 2 lần 6 tháng đầu năm 2021.

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) báo lãi quý II hơn 415 tỷ đồng - tăng 150% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính cho kết quả này là doanh thu kinh doanh bất động sản và bất động sản đầu tư với 1.037 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

Nhờ nguồn thu chủ yếu là cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng, quý II năm nay Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng mạnh lên 310 tỷ đồng và 118 tỷ đồng.

Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp - Sonadezi (Mã: SNZ) cũng vừa báo lãi quý II tăng 41% lên gần 424 tỷ đồng nhờ doanh thu kinh doanh một số lĩnh vực tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong quý, doanh thu đạt 1.317 tỷ đồng, chủ yếu là doanh thu từ kinh doanh KCN khi đạt gần 337 tỷ đồng, tăng gần 47%.

CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) báo doanh thu quý này tăng đột biến gần 10 lần lên ngưỡng 2.709 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là doanh thu đến từ hoạt động bán và cho thuê căn hộ dài hạn (hơn 2,6 tỷ đồng). Lãi ròng quý II công ty chỉ ghi nhận 170 tỷ đồng - giảm 10% so với cùng kỳ.

Lãi đột biến từ các thu nhập khác

Với nhóm các doanh nghiệp có KCN đã lấp đầy, không còn nhiều diện tích cho thuê như Long Hậu, Thống Nhất, Tín Nghĩa, D2D… phải ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm.

Cụ thể, CTCP Long Hậu (Mã: LHG) ghi nhận doanh thu đạt 233 tỷ đồng - giảm 58%, trong khi lãi ròng giảm 81% xuống chỉ còn 41 tỷ đồng. Nguyên nhân do doanh thu mảng kinh doanh chính là cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và nhà xưởng giảm 65% so với cùng kỳ về còn 173 tỷ đồng.

Cũng với tình trạng tương tự, CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) ghi nhận doanh thu và LNST quý II đạt lần lượt hơn 38 tỷ và gần 12 tỷ đồng, giảm gần 35% và 42% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận nửa đầu năm cũng giảm 71% về gần 18 tỷ đồng. Cuối quý II, công ty đang có hơn 898 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

CTCP Thống Nhất (Mã: BAX) chỉ đem về hơn 24 tỷ đồng doanh thu và gần 9 tỷ đồng lợi nhuận trong quý này, giảm 29% và 54% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp đạt 189 tỷ đồng doanh thu và 57 tỷ đồng LNST, tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm 2021. Đáng chú ý, BAX hiện có hơn 486 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Đây là doanh thu nhận trước tiền cho thuê đất và cơ sở hạ tầng.

CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) báo lợi nhuận quý II giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái về hơn 767 triệu đồng. Lợi nhuận nửa năm cũng giảm mạnh từ hơn 108 tỷ về gần 7 tỷ đồng. Doanh thu chưa thực hiện tại ngày 30/6 của D2D lên tới gần 617 tỷ đồng, chủ yếu là tiền khách hàng trả trước thuê đất KCN Nam Tân Uyên 2.

Bên cạnh những doanh nghiệp báo lãi lớn thì vẫn có một số ít gặp khó, thậm chí là phải báo lỗ nặng.

Quý II năm nay, CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) ghi nhận doanh thu đạt 576 tỷ đồng - giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Công ty báo lỗ ròng quý II gần 640 tỷ đồng trong khi quý này năm trước lãi gần 21 tỷ đồng. Đây là mức lỗ sâu nhất mà FLC phải chịu kể từ quý II/2020 đến nay.

Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp khác báo lỗ trong quý này như CTCP Ani (SIC) lỗ hơn 3 tỷ đồng; CTCP Louis Capital (TGG) lỗ 13 tỷ đồng; CTCP Louis Land (BII) lỗ 9 tỷ đồng,...

KQKD quý II/2022 của một số doanh nghiệp bất động sản

Triển vọng tăng trưởng 2 quý cuối năm

Dự báo về thị trường bất động sản trong 2 quý cuối năm, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, cơ bản thị trường bất động sản sẽ tốt lên bởi pháp lý dần hoàn thiện, như vấn đề pháp lý cho condotel (căn hộ du lịch), vấn đề vốn được tháo gỡ tốt hơn, kinh tế vĩ mô phục hồi, lạm phát xoay quanh khoảng 4%... Giá bất động sản đã dần trở về trạng thái thực hơn. Tất nhiên trạng thái "tốt lên" chỉ dành cho những người đầu tư trung và dài hạn.

Đồng tình với quan điểm để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh thì yếu tố minh bạch là quan trọng, tuy nhiên ông Lực cho rằng, cần làm rõ thế nào là minh bạch, thế nào là quá minh bạch. Hiện tại Việt Nam còn rất xa để đạt được tiêu chí đó. "Thị trường bất động sản cần thông tin, dữ liệu chuẩn, sàn giao dịch chuẩn, cần tính chuyên nghiệp của cả cơ quan quản lý, chủ đầu tư, môi giới... thì những người ít thông tin, kiến thức đỡ bị thiệt thòi", ông Lực cho biết.

Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn chia sẻ rằng ông luôn nhìn thị trường tích cực, thiên về trung hạn và dài hạn. Chỉ cần nhìn vào lực cầu cũng sẽ biết tương lai thị trường thế nào. Cầu yếu sẽ tạo ra tâm lý nghi ngại nhưng hiện nay cầu trên thị trường đang tốt tương đương thậm chí tốt hơn trước dịch. Điều này cho thấy thị trường đang phản ứng yếu tố ngắn hạn nhiều hơn.

Hiện nay, 80% giao dịch, tìm kiếm tập trung ở hai thị trường lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội, trong khi còn rất nhiều thành phố khác có thể đáp ứng nguồn cầu này. Chính phủ cũng đang kích thích đầu tư công gói 113 nghìn tỷ, phát triển hạ tầng khắp nơi, GDP tăng trưởng tốt (dự báo 7%), trong khi lạm phát chỉ ở mức 4%... Như vậy đang có nhiều yếu tố tích cực cho thị trường như vĩ mô đang ủng hộ, chính sách cũng nới lỏng hơn...

Thực tế nhiều người vẫn rất quan tâm đến bất động sản, và thị trường đang ở giai đoạn "nghỉ ngơi lấy sức". Ông Quốc Anh dự báo trong trung hạn thị trường sẽ tích cực hơn và bổ sung thông tin, thị trường nhiều cơ hội phục hồi từ nay đến cuối năm.

Doanh nghiệp bất động sản trở lại đường đua phát hành trái phiếu