Khi tăng lương, lên chức, nhiều người kỳ vọng bản thân sẽ dành dụm được khoản tiền tiết kiệm nhiều hơn. Thế nhưng, họ nhanh chóng nhận ra thực tế là mức thu nhập cao đánh đổi với khối lượng công việc và áp lực đi làm cũng gia tăng gấp bội.

Cũng vì thế, với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống, người trẻ không ngần ngại mạnh tay nâng cao chi phí sinh hoạt thay vì nghĩ cách chắt bóp tiền tiết kiệm. Với những người trẻ này, khoản tiền “chữa lành" bản thân sau giờ phút làm việc vất vả là hoàn toàn xứng đáng.

Thu nhập gần 20 triệu/tháng, sau 3 năm sống ở Hà Nội vẫn không tiết kiệm nổi 10 triệu

Trần Mai Hoa (25 tuổi) đã có 3 năm đi làm chính thức kể từ khi tốt nghiệp đại học. Với tấm bằng giỏi ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học có tiếng, cô bạn dễ dàng xin được vào một trung tâm tiếng Anh.

“Lúc mới đầu mình chỉ được làm vị trí trợ giảng, tuy nhiên sau một thời gian thì đã lên được vị trí giảng viên chính”, với mức lương của giảng viên chính hiện tại, mỗi tháng Hoa thu nhập khoảng 17 triệu đồng.

Ngay từ khi bắt đầu đi làm, Hoa đã xác định ngay cho mình phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý để dành ra một khoản tiết kiệm cho những lúc khó khăn. Thế nhưng, việc nói và việc làm cách xa nhau “ngàn dặm” khiến cô nàng không thể nào thực hiện trọn vẹn được kế hoạch của mình. Trong suốt 3 năm vừa qua, số tiền tiết kiệm của cô bạn 25 tuổi chưa đầy 10 triệu đồng.

Từ khi chuyển từ trợ giảng sang giảng viên chính thức, thu nhập của Mai Hoa tăng tỷ lệ thuận với khối lượng công việc và áp lực. Do đó, cô không tiếc chi tiêu thoáng hơn cho mức sống của bản thân và dành một khoản “chữa lành” sau giờ phút làm việc căng thẳng. Đó cũng là lý do mà dù tiền lương gần 20 đồng/tháng, cô nàng vẫn không tiết kiệm được khoản nào đáng kể.

“Thứ nhất là trong chuyện ăn uống và mua sắm dành cho bản thân. Khi còn làm trợ giảng mình thường nấu ăn tại nhà, tiền mua thực phẩm rẻ vì mình mang đồ sẵn từ quê lên. Nhưng từ khi lên chức, mình ăn sáng và ăn trưa ngay tại công ty do không có nhiều thời gian nấu nướng. Mình dành gần 100.000 đồng cho tiền ăn mỗi ngày, đó là chưa kể làm văn phòng, đồng nghiệp thường rủ nhau đặt đồ ăn vặt như trà sữa, cafe và trái cây. Chỉ tính riêng tiền ăn tại công ty đã tốn của mình ít nhất 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, khoản chi phí dành cho mỹ phẩm và mua quần áo cũng tăng gấp rưỡi vì đi làm chính thức nên mình không được phép xuề xoà. Mình dành thêm 1 triệu đồng cho tiền liên hoan hay đi ma chay, cưới hỏi của đồng nghiệp vì mối quan hệ công việc được mở rộng.

Áp lực công việc tăng lên nên mình không tiếc dành tiền cho việc đi du lịch như trước nữa. Cuối tuần, mình thường không từ chối lời rủ của bạn đi cafe hoặc cắm trại... ”, Mai Hoa nói.

“Bù trừ những tháng phải chi tiêu nhiều thì mình cũng không để được ra bao nhiêu. Chưa kể những lúc ốm đau thì lại còn phải chi tiêu nhiều hơn”, cô bạn chia sẻ.

Thu nhập gần 20 triệu/tháng, sau 3 năm sống ở Hà Nội vẫn không tiết kiệm nổi 10 triệu

Với một sinh viên vừa mới ra trường và đi làm như Mai Hoa, khoản thu nhập 17 triệu/ tháng là một con số được nhiều người ao ước. Tuy nhiên theo cô bạn chia sẻ, dù có mức lương ổn nhưng với mức chi phí sống đắt đỏ ở Hà Nội thì con số lương phải gấp 2, gấp 3 lần thì mới có thể dành ra được một khoản tiết kiệm kha khá.

Hiện nay, Hà Nội đang là địa phương có mức sống cao bậc nhất Việt Nam. Vậy nên để có thể “bám trụ” và phát triển được đòi hỏi các bạn trẻ cần phải cố gắng và nỗ lực rất lớn. Trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp sinh viên sau khi ra trường và đi làm vài ba năm đã quyết định “dứt áo ra đi” để về quê tìm việc mới.

Những áp lực về chi phí sinh hoạt là nguyên do chính khiến các bạn trẻ buộc phải về quê với gia đình sau nhiều năm “vật lộn” tại những khu nhà trọ chật chội với điều kiện sống không thoải mái. Mức lương cơ bản mà các bạn trẻ nhận được mặc dù có thể đủ để chi tiêu nhưng nếu cuộc sống 3 năm, 5 năm hay thậm chí 10 năm sau vẫn vậy thì chắc chắn đây là điều cần phải suy tính lại.