Chiều ngày 20/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Dự thảo dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết, bà rất băn khoăn trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 4 tội: tham ô tài sản; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và vận chuyển trái phép chất ma túy.

Bà Lan nêu quan điểm, một bác sĩ học hành “không đến nơi đến chốn” trong ca phẫu thuật nếu xảy ra sai sót có thể dẫn tới hậu quả chết một người. Thế nhưng, với một dược sĩ, khi đã táng tận lương tâm sản xuất thuốc giả thì có thể khiến cả loạt người mất mạng, “không xứng đáng làm người”, phải bị xử lý cho thích đáng.

Bà Lan chia sẻ thêm, nếu cho rằng bỏ án tử hình để bảo đảm tính nhân văn, vậy với cộng đồng, với người bị hại thì sao, nhất là các tội danh về vận chuyển ma túy hoặc sản xuất thuốc giả. Bà Lan nói: “Lúc vi phạm có nghĩ đến lúc bị trừng phạt hay không?”.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho biết, hiện nhiều quốc gia hoặc là không quy định hình phạt tử hình, hoặc có nhưng không thi hành. Ông Trung cho biết, việc duy trì án tử hình cũng ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại và cả hoạt động tư pháp.

‘Thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ có con tôi chết là thật’

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Liên quan đến loại tội phạm về hàng giả, đại biểu Trung nêu quan điểm: “Trong các mặt hàng giả, thuốc giả là nguy hiểm nhất, cần xử phạt nghiêm khắc hơn so với các loại hàng giả khác”.

Đại biểu Trung nói thêm: “Tôi còn nhớ trong một tiểu phẩm, người cha đã rất xót xa khi nói một câu: “Thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ có con tôi chết là thật”. Câu nói đó, dù trong tiểu phẩm nhưng phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề này”.

Bên cạnh đó, đại biểu Tao Văn Giót cho biết, hầu hết các vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả đều là phạm tội có tổ chức, có kế hoạch với phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng.

Đại biểu Giót nhấn mạnh: “Đây là loại tội phạm biết hậu quả nhưng vẫn cố ý làm sai, trong khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống người dân. Sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người”.

Bên cạnh đó, ông Giót cũng đề nghị xử phạt thật nặng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng. Ông Giót nói: “Người có ảnh hưởng, người nổi tiếng đương nhiên có hiểu biết, thuộc tầng lớp tri thức, không thể trả lời không biết sản phẩm mình quảng cáo kém chất lượng”.