Tại tọa đàm chuyên đề “Thích ứng với biến động của bối cảnh kinh tế toàn cầu: Chiến lược dành cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) toàn cầu, không né tránh khi cho rằng, những biến động hiện nay là sự hỗn loạn có hệ thống – từ khủng hoảng địa chính trị, cạnh tranh Mỹ - Trung, áp lực lạm phát, cho đến xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa ESG và giảm phát thải carbon.

“Tư duy ứng phó ngắn hạn là không đủ. Doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: thị trường lớn như Mỹ suy thoái, trong khi tiêu chuẩn ESG ngày càng siết chặt,” ông Suffield nhấn mạnh.

Thương mại toàn cầu hỗn loạn, ACCA gửi thông điệp nóng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt

Ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách & Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA toàn cầu chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: ACCA Việt Nam.

Với việc Moody’s vừa hạ tín nhiệm Mỹ và người tiêu dùng Mỹ dự báo lạm phát trên 6% trong năm tới, ACCA lưu ý sức mua hàng nhập khẩu sẽ suy yếu rõ rệt. Nếu doanh nghiệp Việt tiếp tục lệ thuộc vào đơn hàng dệt may, giày dép giá rẻ, cú sốc về tiêu dùng sẽ là đòn đầu tiên. Đòn thứ hai sẽ đến từ việc thiếu minh bạch thông tin xuất xứ và báo cáo phát triển bền vững, khiến hàng Việt có nguy cơ bị trả về hoặc bị đánh thuế cao hơn tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Thông điệp nóng mà ACCA nhấn mạnh gồm ba điểm chính:

Thứ nhất, tư duy chiến lược phải thay đổi ngay: Doanh nghiệp Việt cần chuyển từ mô hình phụ thuộc vào vài thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, sang chiến lược đa trục – vừa đa dạng thị trường, vừa nâng cấp năng lực nội tại.

Bà Gwendoline Brooker, Phó Tổng Giám đốc Frasers Law, ví von: “Đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ, và đừng trông chờ vào chính sách của nước khác để cứu doanh nghiệp mình".

Thứ hai, chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế để không bị gạt khỏi bàn chơi toàn cầu: ACCA đặc biệt kêu gọi doanh nghiệp Việt sớm áp dụng các chuẩn mực quốc tế như IFRS S1, S2 về công bố thông tin và phát triển bền vững. Đây là điều kiện ngày càng phổ biến khi các thị trường nhập khẩu như EU, Canada, ASEAN siết chặt rào cản phi thuế.

Ví dụ: Nhiều nhà mua hàng châu Âu hiện yêu cầu doanh nghiệp Việt phải minh chứng được lượng phát thải CO2, mức sử dụng năng lượng tái tạo và điều kiện lao động, nếu không đáp ứng, hợp đồng sẽ chuyển sang đối tác tại Thái Lan hoặc Bangladesh.

Thứ ba, tăng cường kết nối chính sách, không chỉ xin giấy phép mà để định vị chiến lược dài hạn: ACCA cảnh báo doanh nghiệp không nên coi chính phủ chỉ là nơi cấp phép.

“Hợp tác chính sách giúp đảm bảo môi trường pháp lý ổn định là điều sống còn để đầu tư dài hạn và bảo vệ doanh nghiệp trong bối cảnh luật chơi toàn cầu thay đổi chóng mặt,” ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam chia sẻ.

Thương mại toàn cầu hỗn loạn, ACCA gửi thông điệp nóng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt

Đây không còn là thời điểm để trì hoãn, do dự hay bảo thủ trong tư duy. Doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng nâng cấp năng lực, đổi mới chiến lược và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển bền vững.

Hành động kịp thời: Chìa khóa để ‘ngược dòng’

Bên cạnh những cảnh báo, các chuyên gia cũng mang đến hy vọng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nếu biết chủ động và quyết liệt thay đổi. “Thế giới đang thay đổi từng ngày. Những ai không kịp thích nghi sẽ bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu hành động kịp thời, Việt Nam hoàn toàn có thể ngược dòng, vươn lên thành điểm sáng trong chuỗi giá trị toàn cầu", Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA, nhận định.

Phân tích sâu về những cơ hội, bà Gwendoline Brooker cho biết, làn sóng doanh nghiệp quốc tế đang từng bước rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm các thị trường thay thế ổn định và thân thiện hơn về mặt pháp lý, trong đó Việt Nam đang nổi lên như một tâm điểm chiến lược tại châu Á.

“Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng các đoàn thương mại từ Liên minh châu Âu (EU) đến Việt Nam, không chỉ để kết nối kinh doanh mà còn để nghiên cứu kỹ lưỡng khung pháp lý, tiêu chuẩn môi trường và các quy trình xuất khẩu vào thị trường EU,” bà nhấn mạnh.

Không chỉ EU, các đối tác từ Bắc Mỹ cũng bắt đầu chuyển động rõ rệt. Bà Brooker tiết lộ:

“Lần đầu tiên, chúng tôi chứng kiến các phái đoàn từ Canada chủ động đến Việt Nam để khảo sát cơ hội. Đặc biệt, tỉnh Alberta đang tích cực tiếp cận cả Việt Nam và ASEAN như một trung tâm thay thế Trung Quốc – vốn ngày càng bị phủ bóng bởi bất ổn địa chính trị Mỹ - Trung.”

Vị chuyên gia khẳng định, những tín hiệu này là minh chứng rõ ràng cho việc Việt Nam đang được đánh giá không chỉ là nơi sản xuất chi phí thấp, mà còn là một đối tác thương mại tin cậy, có tiềm năng vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu biết tận dụng cánh cửa cơ hội đang mở ra.