Trong bối cảnh mức thuế nền của Việt Nam vẫn giữ ở mức 10% – thấp hơn nhiều so với Trung Quốc – nước ta không chỉ duy trì được lợi thế cạnh tranh, mà còn lọt vào danh sách 20 đối tác thương mại ưu tiên trong đàm phán với Mỹ. Diễn biến này không chỉ đơn thuần mang tính tích cực về mặt ngắn hạn, mà còn mở ra cánh cửa định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trong trung và dài hạn.
Quan hệ thương mại: Vị thế nâng tầm, hành lang mở rộng
Việt Nam đang ở trung tâm của các cuộc thương lượng song phương với Mỹ. Tại vòng đàm phán cấp Bộ trưởng ngày 16/5, đại diện Mỹ đã cơ bản đồng tình với cách tiếp cận và những đề xuất của Việt Nam trong định hướng xây dựng Hiệp định Thương mại Đối ứng. Vòng đàm phán thứ hai, diễn ra từ ngày 19 đến 22/5 tại Washington D.C., đã đạt được kết quả bước đầu khi hai bên thống nhất ký biên bản ghi nhớ hợp tác điện hạt nhân giữa Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Westinghouse.
Không chỉ dừng lại ở trục đàm phán với Mỹ, Việt Nam còn chủ động mở rộng hành lang thương mại với nhiều đối tác khác. Trong tháng 5/2025, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Thái Lan lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, ký thỏa thuận thương mại ưu đãi với Campuchia, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ba quốc gia mới. Trong nước, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy nỗ lực nâng cấp nội lực để tận dụng các cơ hội quốc tế và cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn hiện hữu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố giữ nguyên mức thuế nền 10% và cảnh báo khả năng áp thêm thuế với một số đối tác trong vòng 2–3 tuần tới. FPTS cảnh báo rằng thời gian ân hạn chỉ kéo dài 90 ngày, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược sản xuất, kế hoạch logistics và phương án hợp đồng để không bỏ lỡ cơ hội từ đàm phán song phương.
Xuất khẩu: Tăng trưởng phân hóa theo ngành và thời gian
Theo đánh giá của FPTS, các ngành xuất khẩu chủ lực gồm dệt may, thủy sản cá tra, chế biến gỗ và dịch vụ hàng hóa hàng không vẫn giữ triển vọng tích cực trong năm 2025, tuy nhiên tốc độ mở rộng thị phần có thể chậm lại do khoảng cách thuế quan với Trung Quốc đã thu hẹp.
Trong ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 tăng 2,3% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với kỳ vọng trước đó. Việt Nam giữ 18% thị phần hàng dệt may tại Mỹ, sau Trung Quốc (22%). FPTS dự báo thị phần của Việt Nam sẽ chỉ tăng thêm 1,7 điểm phần trăm trong năm nay, thấp hơn mức 3,5 điểm phần trăm dự kiến trước khi hai nước đạt thỏa thuận giảm thuế. Các doanh nghiệp như MSH, HTG và TNG xác nhận đơn hàng từ Mỹ không bị hủy mà còn được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giao hàng, tuy nhiên đơn giá gia công giảm 1–2% khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp.
![]() |
Thị phần xuất khẩu may mặc vào Mỹ năm 2024: Trung Quốc và Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối. Nguồn: Văn phòng Dệt may và May mặc Hoa Kỳ (OTEXA), 2024. |
Với ngành thủy sản, cụ thể là cá tra, quý I/2025 ghi nhận mức tăng trưởng 5,5% trong xuất khẩu sang Mỹ, phần lớn nhờ chênh lệch thuế 20 điểm phần trăm so với cá rô phi Trung Quốc. Tuy nhiên, FPTS dự báo cả năm 2025 chỉ đạt mức tăng trưởng 4,9% YoY do nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ suy yếu, thể hiện qua việc chỉ số sức khỏe ngành nhà hàng RPI giảm xuống 98,1 điểm và giữ ở mức tiêu cực. Giá xuất khẩu cá tra bình quân đạt 3,0 USD/kg, tăng 7,7% YoY, chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt khi diện tích thả nuôi giảm 15,2%.
![]() |
Cá tra Việt Nam vượt cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ trong quý I/2025 |
Ngành chế biến gỗ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu, với dự báo kim ngạch sang Mỹ đạt 9,5 tỷ USD trong năm 2025, tăng 7% YoY. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 3,3 điểm phần trăm so với kịch bản trước đàm phán. Mức thuế nhập khẩu trung bình vào Mỹ cho sản phẩm gỗ Việt Nam ước tính còn 15%, thấp hơn Trung Quốc khoảng 20 điểm phần trăm. Dù vậy, các đối thủ như Mexico và Canada – được miễn thuế hoàn toàn nhờ USMCA – đang gia tăng sức ép cạnh tranh, khiến đà dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam chậm lại.
![]() |
Việt Nam giữ vị trí thứ hai về sản phẩm gỗ tại Mỹ nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), 2025. |
Hạ tầng và dịch vụ hậu cần: Lợi thế từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng
Sự thay đổi trong chính sách thuế quan đang tạo ra lực đẩy lớn cho lĩnh vực logistics và bất động sản công nghiệp. Theo FPTS, sản lượng hàng hóa qua các cảng hàng không trong năm 2025 dự kiến tăng 16,5% YoY, trong đó thiết bị và linh kiện điện tử – chiếm 65,7% giá trị xuất khẩu ngành – được dự báo tăng mạnh 29,2% YoY. Thị phần của Việt Nam trong nhóm này tại thị trường Mỹ tăng thêm 1,4 điểm phần trăm, trong khi Trung Quốc mất gần 1/3 thị phần chỉ trong ba tháng đầu năm.
Các doanh nghiệp như NCT và SCS là những bên hưởng lợi trực tiếp. NCT – phục vụ sân bay Nội Bài – có lợi thế lớn nhờ gần các nhà máy công nghệ tại miền Bắc. Trong khi đó, SCS tại Tân Sơn Nhất đóng vai trò trọng điểm trong vận chuyển hàng công nghệ cao sang thị trường Mỹ, đặc biệt các bang phía Tây.
Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì sức hút mạnh mẽ. Trong tháng 4/2025, diện tích ghi nhận doanh thu đạt 385 ha, tăng 7% YoY; giá thuê tăng 6% – cao hơn 4 điểm phần trăm so với kịch bản trước. FPTS cho rằng vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 4 đã đạt mức cao nhất 6 năm trở lại đây, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Các nhà phát triển cho biết dù một số khách thuê từng hoãn đàm phán, nhưng đã quay lại ngay sau khi thỏa thuận Mỹ – Trung được ký kết.
![]() |
FDI khởi sắc: Vốn và số lượng dự án đăng ký mới tháng 4/2025 đạt đỉnh 6 năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO), 2025. |
Năng lượng và chứng khoán: Những lực cản đang hiện hình
Ngành dầu khí không hưởng lợi trực tiếp từ thuế quan, song chịu tác động mạnh từ biến động giá dầu. FPTS dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2025 giảm xuống còn 67,8 USD/thùng, thấp hơn 2,4% so với dự báo tháng 4. Riêng quý II/2025 đã ghi nhận mức giảm 13,8%, xuống 65 USD/thùng do OPEC+ thông báo tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6.
![]() |
Giá dầu 2025 chịu áp lực giảm mạnh dưới kịch bản thuế Mỹ – Trung leo thang. Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), FPTS dự phóng tháng 5/2025. |
Dự báo lợi nhuận sau thuế ngành lọc dầu giảm 84,4%, bán lẻ xăng dầu giảm 8,5% và khí đốt giảm 7,8%. Chỉ có mảng dịch vụ thăm dò và khai thác được giữ nguyên triển vọng do không phụ thuộc vào giá dầu ngắn hạn.
Trên thị trường tài chính, FPTS cho biết VN-Index tiếp tục duy trì trong trạng thái Choppy Market, với biên độ dao động 1.200–1.350 điểm. Mặc dù nhóm cổ phiếu bất động sản – đặc biệt là VIC, VHM và VRE – dẫn dắt đà tăng điểm, nhưng độ rộng thị trường vẫn hẹp khi có tới 8/11 nhóm ngành ghi nhận hiệu suất âm. Tỷ lệ cổ phiếu vượt MA 20 đã tiệm cận mức cảnh báo 80%, cho thấy rủi ro đảo chiều kỹ thuật đang gia tăng.
Sự kiện Mỹ – Trung cắt giảm thuế quan không chỉ giúp giảm căng thẳng toàn cầu mà còn mở ra thời cơ mới cho Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian ân hạn ngắn và độ bất định cao đòi hỏi Việt Nam không chỉ hành động nhanh mà còn phải hành động đúng. Chỉ khi kết hợp đồng bộ giữa cải cách thể chế, nâng cấp nội lực và đẩy mạnh hội nhập, Việt Nam mới có thể biến thời cơ thương mại thành động lực bền vững để bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.