Được đặt tên theo Warren Buffett, CEO của Tập đoàn Berkshire Hathaway và cũng là nhà đầu tư đại tài mà nhiều người muốn noi theo, chỉ số Buffett được tính bằng cách lấy tổng giá trị vốn hóa của các cổ phiếu đang niêm yết ở Mỹ chia cho ước tính GDP danh nghĩa của quý gần nhất.

Trong bài phỏng vấn năm 2001 với tạp chí Fortune, Buffett đã miêu tả “đây có lẽ là chỉ số đơn lẻ tốt nhất để xem xét giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán có hợp lý không, có thể áp dụng ở bất kỳ thời điểm nào”.

Thông điệp mà “nhà tiên tri xứ Omaha” đưa ra rất rõ ràng: “Nếu GDP tăng trưởng 5% mỗi năm và bạn muốn giá cổ phiếu tăng thêm 10%, chỉ số sẽ phải đi lên”, ông nói. Tuy nhiên, Buffett lưu ý rằng tỷ lệ 70-80% là hợp lý nhất và sẽ có lợi cho các nhà đầu tư mua thêm cổ phiếu. Ngược lại, tỷ lệ tăng lên quá cao, gần hoặc vượt mốc 200% như trong thời kỳ bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 thì đó lại là môi trường đầu tư có độ rủi ro cao.

Hiện tại, chỉ số Buffett đang ở quanh mức 190% và ông cho rằng đó là dấu hiệu cảnh báo thị trường sắp điều chỉnh mạnh. Các dữ liệu lịch sử đã chứng minh điều đó. Ví dụ, khi chỉ số tăng lên 211% trong năm 2022, S&P 500 đã giảm 19% trong năm ngoái.

Tín hiệu cảnh báo của Warren Buffett nhấp nháy 'báo động đỏ', nhà đầu tư đang 'chơi với lửa'?
Warren Buffett, CEO của Tập đoàn Berkshire Hathaway, là nhà đầu tư đại tài mà nhiều người muốn noi theo

Quay lại năm 2001, chỉ số Buffett cũng trở thành “lằn ranh đỏ” báo hiệu các cổ phiếu đang bị định giá quá cao và đó là nguyên nhân chính khiến bong bóng dot-com vỡ tung. Như chúng ta đã biết, thị trường đã lao dốc trên diện rộng, đặc biệt là những cổ phiếu công nghệ trước đó tăng vọt lên mức giá không bền vững. Trong một thời gian dài sau đó, niềm tin của nhà đầu tư giảm sút, kéo theo dòng vốn đầu tư và chi tiêu tiêu dùng cũng sụt giảm và ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, các lực đẩy khiến chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh trong thời gian gần đây bao gồm cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, đã có những tiếng nói cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng. Một số chuyên gia như John Hussman (người từng dự đoán đúng vài vụ sụp đổ trong quá khứ) hay cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã bày tỏ lo ngại về các điều kiện trên thị trường hiện nay.

Bất chấp những cảnh báo này, cũng không ít người cho rằng sự hưng phấn của nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở. Ví dụ, CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase nói rằng sự lạc quan về AI không chỉ đơn thuần là cơn sốt mà nó thực sự phản ánh những tiềm năng của nền kinh tế thực.