Tín hiệu từ BRICS: 3 doanh nghiệp trên sàn được mở đường hồi sinh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Những ngày đầu tháng 7 tại Rio de Janeiro (Brazil), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm song phương quan trọng với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Một trong những điểm nhấn nổi bật là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, đặc biệt là gạo, cho hai quốc gia ASEAN quan trọng này.

Với Indonesia, Thủ tướng đề xuất hai nước sớm xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giai đoạn 2025–2030, trong đó nhấn mạnh hợp tác nông nghiệp và thương mại gạo là trụ cột. Hai bên nhất trí xúc tiến ký Hiệp định thương mại gạo, hướng tới việc duy trì xuất khẩu gạo lâu dài, ổn định từ Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia đông dân nhất ASEAN.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia ngày 6/7, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nghề cá và an ninh lương thực. Trên tinh thần đó, Việt Nam cam kết sẽ bảo đảm nguồn cung gạo ổn định cho Malaysia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và dự trữ chiến lược của nước bạn. Ngoài lĩnh vực truyền thống, hai bên cũng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu và kinh tế tuần hoàn.

Cơ hội cho doanh nghiệp gạo Việt

Cam kết lương thực mang tính chiến lược của Thủ tướng không chỉ khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực, mà còn mở ra dư địa thị trường đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu nông sản trong nước.

Tín hiệu từ BRICS: 3 doanh nghiệp trên sàn được mở đường hồi sinh
Việt Nam nằm trong nhóm xuất khẩu gạo Top đầu thế giới

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp uy tín. Trong đó, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II – mã VSF) và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) là hai đầu tàu truyền thống trong các hợp đồng xuất khẩu quốc gia.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) khẳng định vị thế với chiến lược gắn kết chặt chẽ với nông dân, truy xuất nguồn gốc và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã TAR) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xuất khẩu gạo thơm, gạo hữu cơ sang Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Tập đoàn PAN (mã PAN) cũng đang nổi lên với mô hình sản xuất khép kín từ giống đến tiêu thụ.

Ngoài ra, CTCP Intimex và CTCP Gentraco là những đơn vị có sản lượng lớn, thường xuyên nằm trong nhóm doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam. Những doanh nghiệp này không chỉ góp phần gia tăng giá trị gạo Việt trên thị trường toàn cầu mà còn đóng vai trò chiến lược trong nâng cao chất lượng, hình ảnh ngành nông nghiệp quốc gia.

Trong bối cảnh VSF, LTG, TAR đang gặp nhiều khó khăn về kinh doanh, sự kiện hợp tác trên trở thành động lực quan trọng được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp này sớm ổn định trở lại.

Tín hiệu từ BRICS: 3 doanh nghiệp trên sàn được mở đường hồi sinh
VSF: Doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm nhưng lợi nhuận không mấy khả quan
Tín hiệu từ BRICS: 3 doanh nghiệp trên sàn được mở đường hồi sinh
LTG: Doanh thu liên tục tăng trưởng nhưng lợi nhuận năm 2023 bất ngờ bốc hơi. Biến cố lãnh đạo thượng tầng năm 2024 khiến doanh nghiệp chưa thể công bố các báo cáo tài chính trong năm
Tín hiệu từ BRICS: 3 doanh nghiệp trên sàn được mở đường hồi sinh
TAR: Doanh nghiệp buôn gạo đã lỗ trong hai năm gần nhất

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu, việc Việt Nam chủ động đóng vai trò là “nhà cung cấp an ninh lương thực đáng tin cậy” cho khu vực không chỉ là thắng lợi về mặt ngoại giao, mà còn tạo xung lực phát triển cho khu vực kinh tế nông nghiệp và chuỗi doanh nghiệp nội địa. Nếu biết tận dụng thời cơ, nhóm doanh nghiệp nông nghiệp Việt hoàn toàn có thể mở rộng thị phần và nâng tầm thương hiệu trên bản đồ lương thực thế giới.