Điều hành linh hoạt, hỗ trợ phục hồi kinh tế

Tại buổi họp báo công bố kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra sáng 8/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại và căng thẳng địa chính trị leo thang, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống.

Về mặt lãi suất, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận vốn chi phí thấp. Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ và sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Kết quả, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,29%/năm, giảm 0,64 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.

Phó Thống đốc cho biết, trong các giai đoạn thị trường chịu áp lực từ bên ngoài, NHNN đã can thiệp bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định tỷ giá và hỗ trợ thanh khoản thị trường. Nhờ vậy, thị trường ngoại tệ hoạt động ổn định, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cung – cầu thị trường.

Ngay từ cuối năm 2024, NHNN đã công khai phương án giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 cho các TCTD, trên cơ sở định hướng tăng trưởng an toàn, hiệu quả. Tín dụng được ưu tiên vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, ngành động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Nhiều chương trình tín dụng trọng điểm đang được triển khai như: Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho ngành lâm – thủy sản (nâng từ 15.000 tỷ trước đó), chương trình hỗ trợ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL với doanh số lũy kế khoảng 5.200 tỷ đồng đến cuối tháng 6. Ngoài ra, các chương trình như cho vay nhà ở xã hội, gói 500.000 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng – công nghệ số… cũng đang được đẩy mạnh.

Tính đến 30/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng
Tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,32% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ thống ngân hàng giữ ổn định, đẩy mạnh tái cơ cấu

Công tác tái cơ cấu hệ thống TCTD tiếp tục được triển khai đồng bộ. NHNN đã và đang rà soát, điều chỉnh mô hình hoạt động của 15 chi nhánh NHNN khu vực, phù hợp với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, giữ vững ổn định hệ thống và xử lý nợ xấu tiếp tục là ưu tiên trong bối cảnh sản xuất – kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua là cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Trong 5 tháng đầu năm 2025, giao dịch TTKDTM tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; riêng giao dịch qua Internet tăng hơn 46% về số lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ 2024. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt.

NHNN đang tích cực triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá chuyển đổi số, thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua các mô hình công nghệ mới. Nghị định 94/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox fintech) trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã được ban hành.

Tính đến ngày 13/6/2025, hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) và gần 1 triệu hồ sơ tổ chức đã được xác thực sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc VNeID, đạt lần lượt gần 100% và hơn 70% số lượng tài khoản thanh toán phát sinh giao dịch số.