Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024, đánh dấu 20 năm hình thành và phát triển chỉ số này tại Việt Nam. Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát ý kiến của 10.000 doanh nghiệp trên cả nước.
PCI 2024 cũng là kỳ công bố cuối cùng với đầy đủ 63 tỉnh, thành phố, trước khi thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính theo Nghị quyết 74/NQ-CP của Chính phủ về sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Theo kết quả xếp hạng gần nhất, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế khi lần thứ 7 giữ vững ngôi đầu bảng. Long An lần đầu tiên vươn lên vị trí á quân, trong khi Hải Phòng giữ vững vị trí trong top 3. Đây là ba địa phương được đánh giá cao về chất lượng điều hành kinh tế và cải cách môi trường kinh doanh.
Đáng chú ý, trong Top 30 PCI 2024, TP. HCM và Hà Nội lần lượt đứng ở vị trí 27 và 28. TP. HCM giữ vững thứ hạng so với năm trước, trong khi Hà Nội tụt 8 bậc. Một số cái tên mới gia nhập Top 30 năm nay gồm Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa. Đây cũng có thể là lần cuối những địa phương này xuất hiện trong bảng xếp hạng với tư cách tỉnh độc lập trước khi sáp nhập.
Báo cáo PCI được VCCI thực hiện thường niên nhằm phản ánh trung thực, đa chiều về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận nỗ lực cải cách của chính quyền các địa phương. PCI không chỉ giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh về nơi đầu tư, mà còn là công cụ phản biện chính sách, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương.
![]() |
Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh |
Nội dung của PCI 2024 tiếp tục mở rộng khi ghi nhận đánh giá của doanh nghiệp về nỗ lực của chính quyền địa phương trong quản lý môi trường, thúc đẩy đầu tư xanh và thực hành phát triển bền vững.
Ở kỳ báo cáo PCI 2023 được công bố đầu năm 2024, VCCI đã chỉ ra 8 xu hướng nổi bật, gồm: chất lượng điều hành cấp tỉnh cải thiện theo thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển biến tích cực; chi phí không chính thức giảm; thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn; cải cách hành chính đạt nhiều tiến bộ; khó khăn trong tiếp cận đất đai gia tăng; nhu cầu bình đẳng trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; và sự cần thiết phải làm mới tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cao sự năng động của lãnh đạo địa phương có xu hướng chững lại. Đặc biệt, có đến 73% doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 vì vướng thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, tăng mạnh so với tỷ lệ 30,1% của năm 2022.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là một thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế - xã hội theo chu kỳ năm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khi không tính các thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh là tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI đạt 97,94% so với Hà Nội. Chỉ số SCOLI cao nhất là Hà Nội (100%), theo sau là TP. HCM với chỉ số bằng 98,44% của Hà Nội.