Theo Quyết định 1746/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các khu công nghiệp được định hướng phát triển tại các vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển và có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với tổng quy mô phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch.

Sau năm 2025, Phú Yên được quy hoạch phát triển khoảng 11 khu công nghiệp với diện tích khoảng 3.462ha (khi được cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp).

Tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có 3 mặt là núi dự kiến thành lập 6 khu công nghiệp mới
Một góc tỉnh Phú Yên

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, địa phương đang kêu gọi đầu tư 6 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (gọi tắt là Dự án KCN) nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng diện tích 3.031,6ha.

Cụ thể, Dự án KCN Hòa Tâm tại xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa; diện tích khoảng 1.080ha (giai đoạn 1 là 498ha); tổng vốn đầu tư khoảng 13.300 tỷ đồng.

Dự án KCN Hòa Thành tại xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa và phường Phú Lâm, TP. Tuy Hòa; diện tích khoảng 472ha (giai đoạn 1 là 150ha); tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng.

Dự án KCN Hòa Xuân Tây tại xã Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa; diện tích khoảng 454ha (giai đoạn 1 là 150ha); tổng vốn đầu tư khoảng 3.650 tỷ đồng. Dự án KCN Hòa Xuân Đông tại xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa; diện tích 420ha (giai đoạn 1 là 150ha); tổng vốn đầu tư khoảng 3.650 tỷ đồng.

Dự án KCN Hậu cần sân bay tại phường Phú Thạnh, TP.Tuy Hòa và phường Hòa Vinh, phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa; diện tích khoảng 354ha, (giai đoạn 1 là 150ha); tổng vốn đầu tư khoảng 2.845 tỷ đồng.

Dự án KCN Công nghệ cao Phú Yên tại phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa; diện tích khoảng 251,6ha; tổng vốn đầu tư khoảng 2.250 tỷ đồng.

Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 khu công nghiệp (nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 175ha gồm KCN Hòa Hiệp 1 (101,5ha) và KCN Hòa Hiệp 2 (73,18ha); thu hút được 32 dự án.

Ngoài ra, tỉnh còn có 3 khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng diện tích 256ha gồm KCN An Phú (68,4ha); KCN Đông Bắc Sông Cầu – khu vực 1 (105,8ha); KCN Đông Bắc Sông Cầu – khu vực 2 (81,8ha) đã đi vào hoạt động và thu hút được 64 dự án.

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, phía Đông dãy Trường Sơn với 70% diện tích là đồi núi. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.045km2, chiều dài bờ biển là 189km. Phú Yên có 3 mặt là núi, phía Bắc có dãy Đèo Cù Mông, phía Nam là dãy Đèo Cả, phía Tây là mạn sườn Đông của dãy Trường Sơn, và phía Đông là biển Đông. Phú Yên được biết đến nơi có đồng bằng Tuy Hòa, được xem là vựa lúa của miền Trung.

Tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có 3 mặt là núi dự kiến thành lập 6 khu công nghiệp mới
Bản đồ tỉnh Phú Yên

Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp về kinh tế so với các tỉnh trong khu vực, Phú Yên có sự phát triển vượt bậc, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong tương lai.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của tỉnh ước đạt 9,16% (vượt kế hoạch đề ra), đứng thứ 10 trong cả nước và thứ 3 khu vực miền Trung - Tây Nguyên. GRDP bình quân đầu người ước tính 65,2 triệu đồng, tăng 13,4% so với năm 2022.

Sản xuất nông - lâm - thủy sản ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp vượt gần 8% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh; tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên năm 2023 đạt 3,2 triệu lượt, tăng gần 44%.

Về chỉ tiêu thu ngân sách, ước thực hiện năm 2023 khoảng 4.000 tỷ đồng, bằng 78% dự toán Trung ương giao, bằng 50% dự toán tỉnh giao và bằng 78,2% so với cùng kỳ.