Biden nhắc lại những nhận xét mà ông đưa ra vào tháng trước khi ông cho rằng những tai ương mà kinh tế Trung Quốc đang gánh chịu là do nước này không sẵn lòng chấp nhận nguồn lao động nhập cư.

Lần này, ông chỉ trích Nga và cả đồng minh lâu đời của nước Mỹ là Nhật Bản. Cáo buộc được đưa ra ngay sau khi ông Biden tiếp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại hội nghị thượng đỉnh và bữa tối cấp nhà nước ở Washington ba tuần trước.

Tổng thống Biden chỉ trích nhiều cường quốc châu Á là nền kinh tế 'bài ngoại', trong đó có cả đồng minh chiến lược Nhật Bản
Những lời chỉ trích gay gắt được Tổng thống Biden đưa ra ngay sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm 9/4

Trong bài phát biểu tại một sự kiện gây quỹ tranh cử ở Washington hôm 1/5, ông Biden nói với các nhà tài trợ người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương rằng: “Bạn biết đấy, một trong những lý do khiến nền kinh tế của chúng ta phát triển là vì đất nước này chào đón những người nhập cư". Ông Biden so sánh: “Lý do tại sao kinh tế Trung Quốc trì trệ là gì? Tại sao Nhật Bản gặp khó khăn? Tại sao là Nga? Bởi vì họ quá bài ngoại nên nền kinh tế của họ không chào đón người nhập cư.”

Trước đó, trong một chuyến thăm đến trụ sở của Nghiệp đoàn Nhân viên Thép (United Steelworkers) ở Pennsylvania vào ngày 17/4, ông Biden lên án các nhà quản lý kinh tế trung ương của Trung Quốc là "bài ngoại" trong vấn đề lao động nhập cư và "không cạnh tranh, chỉ thích gian lận" trong thương mại quốc tế.

Có lẽ đây là chiến thuật phổ biến của ông Biden nhằm thuyết phục sự ủng hộ của tầng lớp công nhân, lao động phổ thông ở Mỹ khi đề cao sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ, bằng cách so sánh với Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế tỷ dân này đang suy thoái do khủng hoảng địa ốc gây mất lòng tin của nhân dân, nhu cầu trong nước yếu, và nợ chính quyền địa phương ngày càng gia tăng. Những thách thức kinh tế trong nước của Trung Quốc đã góp phần tạo ra làn sóng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường quốc tế, một vấn đề ngày càng khiến phương Tây phải đau đầu.

Tổng thống Biden chỉ trích nhiều cường quốc châu Á là nền kinh tế 'bài ngoại', trong đó có cả đồng minh chiến lược Nhật Bản
Bằng việc lên án "đối thủ đáng gờm" nhất của Mỹ, ông Biden hy vọng dành được sự ủng hộ của cử tri thuộc tầng lớp lao động chân tay trong cuộc tái tranh cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Biden cho biết ông đã kêu gọi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tăng gấp ba lần mức thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc nếu Bắc Kinh được xác nhận đang sử dụng các hành vi phản cạnh tranh.

Đáp lại những lời nhận xét gay gắt này, Bộ Thương mại Trung Quốc thẳng thừng đáp trả và lên án ngược lại người đứng đầu Nhà Trắng và giới cầm quyền Mỹ là "đạo đức giả" khi những vấn đề và sự chia rẽ mà người Mỹ đang gặp phải cũng nghiêm trọng không kém. Trong bối cảnh chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen vừa kết thúc, Trung Quốc yêu cầu Mỹ dừng đưa ra "những cáo buộc sai trái, dừng việc lên án các hoạt động thương mại và đầu tư hết sức thông thường của Trung Quốc là xâm phạm an ninh quốc gia và lợi ích doanh nghiệp của Mỹ, đồng thời ngưng đổ lỗi cho Trung Quốc về các vấn đề công nghiệp của chính nước này".

Những phát biểu gây tranh cãi của ông Biden là nỗ lực đánh vào lòng tự hào về "sức mạnh mềm" của nước Mỹ, khơi dậy lòng tin của cử tri và các nhà tài trợ bằng việc hứa hẹn tái tạo "giấc mơ Mỹ" đang tan biến dần bởi nhiều bất ổn từ bên trong.